Tiếp tục chỉnh lý, bổ sung và hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ngày 28/8, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã tổ chức tọa đàm khoa học về chế định chính quyền địa phương trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với sự tham dự của nhiều chuyên gia lập pháp, nhà nghiên cứu khoa học pháp lý trong nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chủ trì buổi tọa đàm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, chế định chính quyền địa phương là một trong những nội dung quan trọng nhất và cũng là khó nhất trong tiến trình sửa đổi Hiến pháp 1992. Đây cũng là nội dung có vị trí hết sức quan trọng trong các bản Hiến pháp ở nước ta, từ Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và đến Hiến pháp 1992. Trong nhiều năm nay, khi bàn về đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, vấn đề này luôn được quan tâm đặc biệt.
Đề cập đến mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền, một nhà nước của dân, do dân và vì dân; mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, định hướng này luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định và quán triệt xuyên suốt trong quá trình xây dựng chính quyền nhân dân. Đây cũng là nguyên tắc cơ bản được xác định trong quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992.
Vì vậy, việc sửa đổi chế định chính quyền địa phương phải đảm bảo kế thừa tinh hoa trí tuệ của nhân loại trong lịch sử xây dựng và phát triển các mô hình nhà nước; nhất là các bản Hiến pháp của các nước xã hội chủ nghĩa, đồng thời kế thừa thành tựu trong xây dựng bộ máy Nhà nước ta từ khi thành lập đến nay. Sửa đổi, bổ sung chế định chính quyền địa phương cũng là đòi hỏi tất yếu, phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Các nội dung cần nghiên cứu, sửa đổi chế định này liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương và mô hình đơn vị hành chính. Theo đó, có chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Một yêu cầu nữa trong nghiên cứu chế định chính quyền địa phương là tính khoa học, hiện đại, có sức mạnh, chất lượng, đảm bảo gắn kết giữa chính quyền với cơ sở và nhân dân, sao cho gần dân hơn, hiểu dân hơn và qua bộ máy Nhà nước, người dân thể hiện được quyền làm chủ của mình - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Quang Vũ