Sâu hại lúa lan nhanh tại Phú Thọ, Thái Nguyên

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Thọ, hiện nay sâu cuốn lá và sâu đục thân 2 chấm đang gây hại trên diện rộng, lây lan ra tất cả các trà lúa, làm cho trên 4.100 ha lúa bị nhiễm bệnh, trên 14.000 ha lúa cần phòng trừ khẩn cấp.

Qua kiểm tra , bướm lứa 5 đang nở rộ và đẻ trứng với mật độ trứng trung bình 10 - 20 quả/m 2, cao 30 - 50 quả/m2, cá biệt có nơi lên đến 80 - 120 quả/m2 như ở Tam Nông, Thanh Sơn, Việt Trì, Lâm Thao. S âu đục thân 2 chấm lứa 4 cũng đang ra rộ và đẻ trứng với mật độ cao từ 0,8 - 1 con/m2, cục bộ có nơi từ 2 - 3 con/m2, tập trung ở địa phương Việt Trì, Lâm Thao, Phù Ninh, Thanh Thuỷ, Tam Nông, Cẩm Khê, TX Phú Thọ.

 

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet.


Dự báo, sâu cuốn lá và sâu đục thân 2 chấm sẽ tiếp tục đẻ trứng và sâu non nở rộ từ ngày 7/8 trở đi, gây hại trên diện rộng, nặng nhất trên trà sớm và những diện tích lúa bón thừa đạm, ruộng ven hàng cây, ven làng, ven đường và những diện tích phục hồi sau ngập úng sẽ bị hại nặng nếu không phòng trừ tốt. Diện tích cần phòng trừ chiếm gần 50% tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh, trong đó tập trung tại các huyện Cẩm Khê, Lâm Thao, Hạ Hoà, Thanh Sơn, TP Việt Trì, Phù Ninh, Thanh Thuỷ, Tam Nông, TX Phú Thọ.

Chi cục BVTV tỉnh đã yêu c ầu các địa phương và nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân loại và xác định những diện tích lúa có mật độ trứng và sâu non cao, tổ chức phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ từ nay đến ngày 10 /8; đ ồng thời khuyến cáo người dân chỉ phun thuốc trên ruộng có mật độ sâu cuốn lá từ 20 con/m2, trứng sâu đục thân 2 chấm 0.3 ổ/m2 trở lên bằng các loại thuốc: Dylan 10 WG, Rigell 800 WG, Patox 95 SP, Oncol 25 WP..... hỗn hợp với 01 trong các loại thuốc như: Silsau 4.5 EC, Catex 3.6 EC, Pertox 5 EC, ... pha theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên vỏ bao bì. Sử dụng các loại thuốc trên sẽ diệt trừ luôn cả sâu đục thân, rầy các loại. Bên cạnh đó, người dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời và có biện pháp phòng trừ hiệu quả các đối tượng sâu bệnh, không để bùng phát thành dịch; bón phân NPK đảm bảo tỷ lệ cân đối; tập trung làm cỏ sục bùn giúp cho cây lúa khoẻ, tăng khả năng đề kháng sâu bệnh.

Vụ mùa năm nay, tỉnh Phú Thọ đưa vào gieo trồng tổng diện tích lúa là 33.456 ha, hiện lúa đang trong giai đoạn sinh trưởng phát triển, rất mẫn cảm nhất với các sâu, bệnh hại.

Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Thái Nguyên cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 2.000 ha lúa mùa sớm bị nhiễm sâu đục thân hai chấm, tập trung chủ yếu ở các huyện Phổ Yên, Phú Bình và Thị xã Sông Công… Đây là thời điểm lúa mùa sớm đang trong giai đoạn làm đòng, chuẩn bị trổ.

Mật độ nhiễm trung bình 0,2 con/m2, nơi cao khoảng 1 con/m2, cá biệt có ruộng 5 con/m2. Trứng mật độ trung bình 0,05 ổ/m2, nơi cao 0,2 ổ/m2, cục bộ 0,5 - 1 ổ/m2. Dự báo sâu non sẽ nở rộ từ ngày 10 đến 15/8, gây ung đòng, bông bạc trên trà lúa mùa sớm trổ trong tháng 8, mức độ gây hại có khả năng sẽ cao hơn các năm trước. Để hạn chế thiệt hại do sâu đục thân hai chấm gây ra, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh đã chỉ đạo Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thành phố, thị xã khuyến cáo bà con cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu và thời điểm sâu non nở, phun thuốc trừ sâu nếu thấy mật độ ổ trứng từ 0,2 ổ/m2 trở lên. Những nơi có mật độ ổ trứng cao trên 1 ổ/m2, cần phun kép 2 lần, mỗi lần cách nhau từ 4 đến 5 ngày. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Regent 800 WG, Padan 95 SP, Rigell 800 WG, Patox 95 SP, Gà nòi 95 SP, Actamec 20EC, 40EC để phun trừ. Thời điểm phun thuốc tốt nhất là sâu non tuổi 1, tuổi 2.

Chi cục cũng yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã tăng cường kiểm tra đồng ruộng, căn cứ vào thực tế sản xuất tại địa phương chủ động tham mưu, đề xuất và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ hiệu quả, phù hợp. Đồng thời yêu cầu các Công ty thuốc Bảo vệ thực vật chuẩn bị cung ứng đầy đủ thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng để phục vụ nông dân phòng trừ sâu bệnh hại đạt hiệu quả.


Lâm Đào An, Thu Hằng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN