Để giảm bớt thiệt hại cho người dân do bão số 2 (Thần Sấm) gây ra, các tỉnh, thành từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An đã thực hiện lệnh cấm biển, xây dựng kế hoạch di dời khoảng 119.000 người dân tại các vùng gần biển, vùng nguy hiểm, nguy cơ cao về sóng biển, lũ ống lũ quét.
Khẩn trương chống bão
Hôm qua (18/7), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát chủ trì cuộc họp với các thành viên Ban chỉ đạo và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn bàn giải pháp ứng phó với bão.
Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương họp tìm giải pháp ứng phó với bão số 2. |
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo, bão số 2 sẽ đi vào phía Bắc của vịnh Bắc Bộ, tiếp cận khu vực ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hải Phòng. Bão gây gió mạnh và mưa lớn, sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Nhiều khả năng tâm bão số 2 sẽ đi vào thành phố Móng Cái và huyện Đầm Hà của tỉnh Quảng Ninh, với cường bộ gió khi cập bờ cấp 11 - 12.
Đến ngày 18/7, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng đã di dời khoảng 1.500 người đến nơi an toàn. Theo các thành viên Ban chỉ đạo, công tác trọng tâm các địa phương cần triển khai ngay là tiếp tục tập trung kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi trú tránh an toàn, có phương án di dời dân cư khu vực ven biển khi bão đổ bộ nhiều nơi, sóng biển có thể cao từ 5 đến 6 m.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Những ngày qua, khu vực miền núi đã xảy ra mưa lớn, đất bị ngấm nước, mực nước trên các sông cũng dâng cao; nếu có mưa cục bộ, rất dễ gây ra sạt lở. Các địa phương phải kiểm tra lại những nơi có dấu hiệu và có nguy cơ sạt lở núi. Dự báo, lượng mưa trung bình sẽ ở mức 200 - 300 mm; nhưng có nơi, lượng mưa có thể lên đến 500 - 800 mm, có thể xảy ra lũ quét. Vì vậy, phải tuyên truyền hướng dẫn bà con sống khu vực ven sông suối đi sơ tán”.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 2, các đoàn công tác của Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn sẽ trực tiếp đi chỉ đạo công tác ứng phó với bão tại Quảng Ninh và Hải Phòng.
Đưa lao động tại các lồng bè lên bờ
Thượng tá Trần Văn Đình, Phó phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ tham mưu Bộ đội Biên phòng cho rằng: “Vấn đề lo ngại hiện nay là số lượng ngư dân ở các lồng bè, chòi canh nghêu, nuôi trồng thủy sản của các tỉnh là rất lớn. Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển sử dụng canô, xuồng và các phương tiện khác đưa đón và vận động ngư dân lên bờ trú tránh bão”.
Các thành viên Ban chỉ đạo lưu ý các địa phương tiếp tục tập trung vào công tác kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển, đặc biệt là lao động trên các chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy sản phải được đưa lên bờ.
Theo lực lượng biên phòng tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, các đơn vị này đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thuyền, thông báo kiểm đếm hướng dẫn hơn 73.000 tàu, thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, với khoảng 240.000 lao động, biết thông tin diễn biến bão để chủ động phòng tránh.
Bộ trưởng Cao Đức Phát kết luận: “Đây là cơn bão mạnh, với gió lớn, mưa lớn, các địa phương không được chủ quan lơ là trong công tác ứng phó với bão. Các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng sẽ là nơi bão số 2 đổ bộ nên không chỉ kêu gọi tàu cá của ngư dân mà còn gọi cả tàu du lịch, tàu vận tải vào bờ và tổ chức neo đậu an toàn cho các tàu thuyền”.
Bài và ảnh: Hữu Vinh