Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam tại INC-4, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các nội dung cụ thể cần quan tâm bao gồm trách nhiệm của Việt Nam đóng góp giải quyết ô nhiễm nhựa trong thỏa thuận này (nghĩa vụ quốc gia, nghĩa vụ bắt buộc, những nội dung có thể tự thực hiện, nội dung cần sự hỗ trợ quốc tế…), đặc biệt là những tác động tới doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngành nhựa.
Các quốc gia đang phát triển như Việt Nam mong muốn thỏa thuận có độ mở và linh hoạt về trách nhiệm của quốc gia khi thực hiện. Tuy nhiên, cần tránh trường hợp thỏa thuận tạo ra những tác động lớn đối với nền công nghiệp nhựa vì các sản phẩm này hiện diện và rất quan trọng đối với cuộc sống. Có những sản phẩm rất quan trọng, rất khó thay thế, không thay thế được hoặc thay thế thì phải trả chi phí quá lớn.
Để chuẩn bị INC-5, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều phiên hội thảo kỹ thuật, tham vấn với các chuyên gia và doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp ngành nhựa. Cụ thể, Bộ đã mời doanh nghiệp, Hiệp hội nhựa, những doanh nghiệp có liên quan đến ngành nhựa, sử dụng sản phẩm nhựa để trao dổi, cung cấp thông tin giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ việc thay đổi mô hình sản xuất, thay đổi tiêu chí thiết kế sản phẩm để bảo vệ môi trường tốt hơn. “Việc tham vấn cũng giúp doanh nghiệp chủ động và không bị bất ngờ khi thỏa thuận được thông qua”, ông Lê Ngọc Tuấn cho biết.
Tại Hội thảo kỹ thuật “Kết nối quan điểm hướng tới Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thông qua Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa và Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tổ chức cuối tháng 7, ông Pattrick Haverman, Phó Trưởng đại diện UNDP Việt Nam đánh giá, giai đoạn chuẩn bị cho INC-5 đóng vai trò quyết định, đặc biệt trong bối cảnh INC-5 được kỳ vọng là phiên đàm phán cuối cùng và sẽ đi đến thỏa thuận toàn cầu. UNDP cam kết cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho phái đoàn Việt Nam tham gia cuộc họp giữa kỳ sắp tới và INC-5.
Ông Pattrick Haverman cho rằng việc đạt được thỏa thuận toàn cầu về nhựa sẽ cung cấp cơ sở pháp lý hiệu quả và có tính ràng buộc để loại bỏ dần các hóa chất nguy hại trong các sản phẩm nhựa với mốc thời gian, mục tiêu rõ ràng. Các ngành công nghiệp có thời gian cần thiết để chuẩn bị và chuyển đổi, đảm bảo sự chuyển đổi có hệ thống và có thể quản lý được sang các giải pháp thay thế an toàn hơn cũng như khuyến khích phát triển các hoạt động bền vững.
Ủy ban Đàm phán Liên chính phủ (INC) bắt đầu hoạt động vào nửa cuối năm 2022 với tham vọng hoàn tất đàm phán vào cuối năm 2024. Đến nay, đã có 4 phiên họp INC được tổ chức. Chia sẻ về kết quả đàm phán mới nhất của INC-4 diễn ra tại Ottawa (Canada) vào tháng 4 vừa qua, ông Lê Ngọc Tuấn cho biết, INC-4 là hội nghị đạt được nhiều kết quả nhất, các bên đã bắt đầu đàm phán dự thảo thoả thuận. Kết quả được thể hiện với 75 trang tài liệu tổng hợp do Ban Thư ký INC công bố. Bên cạnh đó, Hội nghị đã thành lập 2 nhóm chuyên gia thảo luận về các vấn đề liên quan tới tài chính, kỹ thuật. Để chuẩn bị cho INC-5, các bên đã thống nhất tổ chức một phiên họp nhóm chuyên gia giữa kỳ tại Bangkok (Thái Lan) từ 24-28/8. Mặc dù các cuộc họp nhóm chuyên gia giữa kỳ không phải là phiên đàm phán chính thức nhưng những nội dung trao đổi, thống nhất tại các cuộc họp này sẽ góp phần định hình Thỏa thuận toàn cầu trong tương lai.
Ô nhiễm nhựa đang được coi là thách thức môi trường rất nghiêm trọng. Vì vậy Việt Nam và các nước thành viên khác đều ủng hộ việc xây dựng một thỏa thuận toàn cầu có tính ràng buộc về pháp lý để giải quyết vấn đề này. Đây sẽ là khung pháp lý để các quốc gia thành viên xây dựng hành động giảm ô nhiễm nhựa và cùng nỗ lực giải quyết các thách thức về môi trường.