Phát biểu tại Tọa đàm, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Kiểm toán Nhà nước ngày càng khẳng định vai trò là công cụ hữu hiệu, có nhiều đóng góp trong việc nâng cao hiệu quả, tăng cường minh bạch và công khai trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Sau gần 3 năm thi hành Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định như: nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước chưa tương xứng với vị trí, chức năng được giao; phạm vi, đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán chưa đồng bộ, thống nhất; quy định về đơn vị được kiểm toán chưa bao quát hết các cơ quan, tổ chức có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; thiếu chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về Kiểm toán Nhà nước.
Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, nhận thức và áp dụng pháp luật chưa thống nhất nên không tránh khỏi khó khăn khi tiến hành các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nói chung, Kiểm toán nói riêng. Từ thực tiễn trên, Đảng Đoàn Quốc hội ban hành Kế hoạch 735-KH/ĐĐQH ngày 18/1/2018 xác định nhiệm vụ xem xét sửa đổi, bổ sung các luật liên quan trong đó có Luật Kiểm toán Nhà nước.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Luật hiện nay chưa quy định nhiệm vụ Kiểm toán Nhà nước về thực hiện phòng, chống tham nhũng, thực hiện giám định tư pháp; thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước giải quyết các đơn thư tố cáo về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa gắn với việc hội nhập quốc tế đòi hỏi cần phải nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, cần nghiên cứu luật hóa bảo đảm cơ sở pháp lý để Kiểm toán Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ như: Thực hiện các đề nghị giám định đối với những vấn đề liên quan theo yêu cầu của cơ quan tư pháp, cơ quan điều tra; nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác phòng, chống tham nhũng theo pháp luật phòng, chống tham nhũng; tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo đối với nội dung tố cáo liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công…
Tại Tọa đàm, các chuyên gia trong và ngoài ngành đã tập trung làm rõ một số vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công; quy định chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật Kiểm toán Nhà nước của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan; các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, giám định tư pháp và xử lý tố cáo đối với hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán viên Nhà nước; hệ thống tổ chức của Kiểm toán Nhà nước, xem xét đổi tên Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, khu vực thành Vụ/Cục...