Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, hơn một năm qua, các cơ quan Trung ương đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là liên quan đến phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Những chỉ đạo trên đã có tác động lớn đến việc lãnh đạo, triển khai công tác phòng, chống tham nhũng của Thành ủy. Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chủ động hơn trong công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí được thực hiện thường xuyên. Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế về cơ bản đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã được triển khai đầy đủ, toàn diện trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên yêu cầu, năm 2022 cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị của Thành phố tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao hơn nữa, quyết liệt, kiên trì, hiệu quả hơn nữa, tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời cảnh giác với những âm mưu của các thế lực thù địch, phần tử xấu muốn lợi dụng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để chia rẽ nội bộ, bôi nhọ, phá hoại Đảng, Nhà nước và chế độ.
Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các Chương trình, kế hoạch của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với quan điểm “tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”, “là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị”, “chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự để phòng, chống tham nhũng”, “đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””.
Cấp ủy, chính quyền tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp về phòng, chống tham nhũng theo các quy định của pháp luật để tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí, hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng tiêu cực trong nội bộ…
Bên cạnh đó, theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, cần tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, xây dựng các quy định, chính sách của Thành phố, chú trọng vào quy hoạch, quản lý đất đai, xác định giá đất, đầu tư, thuế… để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố và ngăn ngừa tham nhũng. Thông qua việc xây dựng các quy định, chính sách và công tác quản lý, điều hành kinh tế-xã hội kịp thời sửa đổi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế-xã hội và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để phát hiện hành vi tham nhũng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý một số ngành, lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao…
Năm 2021, các cơ quan, đơn vị trực thuộc TP Hồ Chí Minh đã tổ chức 4.406 cuộc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; phát hành 207.665 tài liệu, cẩm nang liên quan các quy định về phòng, chống tham nhũng; tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn tại 257 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chuyển đổi vị trí công tác hơn 2 nghìn cán bộ, công chức viên chức trong các lĩnh vực tư pháp-hộ tịch, văn hóa-xã hội, kế toán, thủ quỹ, xây dựng, địa chính-nhà đất, y tế, thủ kho; thực hiện kê khai công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của hơn 33 nghìn người…