Quốc hội thảo luận nhiều vấn đề thiết thực liên quan đến đời sống dân sinh

Sáng 26/5, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 và Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Phiên họp với nhiều ý kiến tâm huyết của đại biểu Quốc hội về nhiều vấn đề thiết thực liên quan đến đời sống dân sinh đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước.

Nhiều nội dung liên quan đến thực tế đời sống

Cử tri Phan Minh Huệ (nguyên cán bộ Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh) trao đổi về các nội dung đại biểu Quốc hội thảo luận sáng 26/5. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Đó là nhận xét của cử tri TP Hồ Chí Minh về phiên thảo luận sáng 26/5 của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Cử tri Phan Minh Huệ (nguyên cán bộ Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh) đánh giá, phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp đã giúp cử tri theo dõi được những nội dung trình bày của các đại biểu, đại diện các bộ ngành liên quan. Phiên thảo luận sáng 26/5 đã xoáy sâu vào các nội dung liên quan đến thực tế đời sống, đó là thu nhập, lao động việc làm, y tế… Đây là những vấn đề rất thiết thực với người dân.

Theo ông Phan Minh Huệ, vấn đề cải cách chính sách tiền lương, thu nhập được nêu ra tại phiên thảo luận là cần thiết, phù hợp với chủ trương của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII vừa qua. Để thực hiện tốt vấn đề này, khi xây dựng chính sách cần chú trọng đến thu nhập theo năng suất lao động, đây là vấn đề cốt lõi để thúc đẩy, tạo động lực cho người lao động, tránh cào bằng. Vừa rồi TP Hồ Chí Minh được Quốc hội cho thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù, cho phép tăng thu nhập cho cán bộ là rất đáng chú ý. Tuy vậy, khi triển khai tăng thu nhập theo đánh giá, bình xét công việc phải làm cho chính xác, thận trọng, bởi có thể xuất hiện bất cập, thiếu công minh trong đánh giá.

Đa số cử tri Thái Bình bày tỏ sự ấn tượng và niềm tin trước tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt 6,81%, cao nhất từ năm 2011 đến nay. Cử tri Vũ Xuân Quảng, nguyên Giám đốc Trường Chính trị tỉnh Thái Bình cho rằng, kết quả trên thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương với quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ nhân dân. Với mục tiêu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018, cử tri Vũ Xuân Quảng cho rằng, Chính phủ cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và tăng trưởng bền vững. Đặc biệt là tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi, tránh điệp khúc “giải cứu” thời gian qua.

Cử tri Thái Bình theo dõi phiên họp qua truyền hình. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN phát

Cử tri Hồ Quang Khải, Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình đánh giá cao hoạt động chất vấn có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề “nóng” được cử tri quan tâm. Cử tri Hồ Quang Khải tán thành với phần giải trình của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đặc biệt là thực hiện chính sách cho người có công, gia đình chính sách. Điều này càng có ý nghĩa hơn đối với tỉnh Thái Bình có trên 51.000 liệt sĩ, gần 33.000 nghìn thương bệnh binh, gần 34.000 nạn nhân nhiễm chất độc da cam/đioxin, gần 6.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và hàng vạn người khác mắc các bệnh tật do nhiều năm hoạt động cách mạng.

Cử tri Hồ Quang Khải cũng bày tỏ mong muốn, Chính phủ cần đẩy nhanh việc hỗ trợ nhà ở cho người có công theo Quyết định 22/QĐ-TTg bởi hiện nay những người có công có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, không có khả năng tự xây mới, sửa chữa nhà ở trong khi đó tiến độ thực hiện giải ngân hỗ trợ cho các đối tượng này lại rất chậm.

Để không còn phải "giải cứu nông sản"

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã phản ánh vấn đề thu nhập của người lao động ở nông thôn, vấn đề tiêu thụ nông sản, xuất khẩu nông sản. Liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp nhiệt đới (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, sản xuất nông nghiệp bền vững thì không thể dựa trên các giải pháp tình thế như các vụ “giải cứu nông sản” vừa qua. Điều này phải thay đổi tư duy sản xuất tự phát và chủ quan theo kiểu truyền miệng. Vấn đề quy hoạch vùng sản xuất hiện nay cũng có thiếu sót của các nhà quản lý, chính quyền địa phương. Nếu sản xuất dựa trên những kế hoạch, hợp đồng có đầu ra thì chúng ta sẽ chấm dứt được tình trạng "giải cứu nông sản.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, vấn đề bất cập hiện nay là chúng ta đang thiếu sự liên kết, không chỉ liên kết dọc mà cần cả liên kết ngang; đồng thời thiếu cả “khoa học tổ chức”. Chúng ta cần có các mô hình tổ chức liên kết, từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản và liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng. Ngoài ra, phải chuyển hướng sản xuất nông nghiệp từ tiêu chí số lượng (như tăng năng suất và sản lượng) sang tiêu chí chất lượng (giá bán và giá trị gia tăng cao).

Về vấn đề xuất khẩu nông sản, theo chuyên gia Nguyễn Đăng Nghĩa, ngành nông nghiệp nên chuyển hướng từ tập trung sản xuất lúa gạo sang một số chủng loại nông sản khác có nhu cầu và giá trị cao hơn trên thị trường như rau quả. Xuất khẩu gạo chúng ta có sản lượng cao thứ hai trên thế giới nhưng rau quả năm 2017 giá trị đã vượt gạo dù mới chỉ chiếm 1,2% so với thị trường thế giới và chiếm 9% thị trường châu Âu. Nếu chính sách phù hợp, vừa cải thiện quyền lợi của đất nước vừa cải thiện được đời sống cho nông dân.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách (Bến Tre) nêu ý kiến, để xuất khẩu nông sản ổn định đòi hỏi nông sản phải đảm bảo yêu cầu xuất khẩu về chất lượng; đảm bảo dư lượng chất cấm không vượt quá ngưỡng cho phép; độ đồng đều của sản phẩm, số lượng sản phẩm trong từng thời kỳ phải ổn định. Tập quán của người dân là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún do đó sản phẩm nông nghiệp không đồng đều, khó đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Vì vậy, cần có cơ chế chính sách thúc đẩy, thu hút người dân tự tham gia sản xuất tập trung (vào hợp tác xã, tổ hợp tác). Ngoài ra, để xuất khẩu nông sản ổn định phải có doanh nghiệp tâm huyết, có thương hiệu và quy mô lớn để đồng hành cùng người dân trong việc thu mua và tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải quy hoạch những vùng sản phẩm có chỉ dẫn địa lý cho trái cây, lúa, thủy sản... Các sản phẩm này phải có mã vạch để truy xuất được nguồn gốc.

Thủ tục hành chính rườm rà dẫn đến nhiều rủi ro cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng, Khu công nghiệp An Hiệp, huyện Châu Thành (Bến Tre): Hiện nay, sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành của Nhà nước với doanh nghiệp đã cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, thủ tục hành chính vẫn còn chậm, lãnh đạo UBND tỉnh, tỉnh ủy rất quyết liệt nhưng cán bộ thực thi hỗ trợ doanh nghiệp còn kém. Thủ tục hành chính rườm rà còn gây tốn kém, mất nhiều thời gian dẫn đến nhiều rủi ro cho doanh nghiệp như mất cơ hội làm ăn, mất cơ hội đầu tư, phí tăng cao... Bên cạnh đó, các loại phí quá nhiều (phí môi trường, phí đường bộ, phí kiểm tra, phí kiểm định,...) làm cho giá thành sản phẩm tăng cao, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước so với các nước khác.

Ông Nguyễn Văn Đạo đề xuất, thời gian tới Nhà nước cần quan tâm, xúc tiến về thương mại, thương hiệu, về thị trường cho sản phẩm xuất khẩu nhiều hơn.
 
Nhóm phóng viên TTXVN tại các địa phương
Các vấn đề an sinh xã hội làm 'nóng' nghị trường
Các vấn đề an sinh xã hội làm 'nóng' nghị trường

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng nay, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến về các vấn đề an sinh xã hội như: Vấn đề xử lý cán bộ; phòng, chống tham nhũng; giải pháp tháo gỡ tình trạng di dân; xử lý hành vi bạo hành trẻ em, bạo lực học đường…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN