Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã phối hợp thực hiện tốt Tuyên bố chung, các thỏa thuận và nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, đưa quan hệ hai Tỉnh - Khu ngày càng trở thành điểm sáng, hình mẫu quan hệ hợp tác cấp địa phương hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh nêu một số biện pháp nhằm tăng cường giao lưu, hợp tác thiết thực giữa 2 Tỉnh - Khu trong thời gian tới. Đó là duy trì thăm hỏi lẫn nhau, gặp gỡ và tiếp xúc các cấp, trao đổi thư, điện; kịp thời trao đổi ý kiến về các vấn đề quan trọng, thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả giữa tỉnh Quảng Ninh và Quảng Tây. Hai Tỉnh - Khu tăng cường giao lưu hợp tác giữa các tổ chức Đảng, các địa phương biên giới, đi sâu trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hợp tác đào tạo cán bộ, học tập kinh nghiệm; tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân; duy trì mô hình kết nghĩa cặp, cụm cư dân hai bên biên giới, hướng tới mô hình kết nghĩa xã, huyện, thành phố biên giới hai Tỉnh - Khu.
Cùng với đó, hai Tỉnh - Khu tiếp tục thực hiện tốt 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và các thỏa thuận liên quan; ủng hộ, tạo điều kiện cho nhau xây dựng công trình bảo vệ bờ sông, suối biên giới theo trình tự, phù hợp với quy định; tăng cường quản lý an ninh, an toàn khu vực biên giới, cửa khẩu… Vận hành hiệu quả cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc), cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) bao gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh (Việt Nam) - Lý Hỏa (Trung Quốc); sớm khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa cửa khẩu Ka Long (Móng Cái, Việt Nam) - Bến Biên mậu Đông Hưng (Trung Quốc); tích cực phối hợp triển khai xây dựng thí điểm khu hợp tác kinh tế qua biên giới.
Hai bên phối hợp triển khai các biện pháp tiện lợi hóa thông quan, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu giữa hai bên, ưu tiên thông quan nhanh, thông quan trước đối với nhóm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc là hàng nông, lâm, thủy hải sản... Tiếp tục phối hợp báo cáo cấp có thẩm quyền hai nước về xây dựng công trình qua biên giới - Cầu Bắc Luân III và mở lối thông quan Cầu Bắc Luân III thuộc Cửa khẩu quốc tế Móng Cái - Đông Hưng, cửa khẩu quốc tế đường sắt Móng Cái - Đông Hưng, xây dựng công trình qua biên giới tại Lối mở cầu phao tạm Km3+4 và nâng cấp Lối mở Km 3+4 và cửa khẩu Ka Long thành cửa khẩu song phương.
Hai địa phương tích cực báo cáo cơ quan Trung ương của hai nước triển khai Dự án viện trợ kỹ thuật lập Quy hoạch hai tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hà Nội; phối hợp báo cáo cấp có thẩm quyền hai nước sớm cho chủ trương đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh theo quy hoạch tạo mạng lưới đường sắt kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc).
Quảng Ninh và Quảng Tây thúc đẩy hợp tác du lịch, xây dựng quan hệ hợp tác du lịch giữa hai địa phương trở thành mô hình mẫu về du lịch biên giới Việt - Trung; sớm khôi phục tuyến du lịch đường biển Phòng Thành - Hạ Long, Bắc Hải - Hạ Long, loại hình cho khách du lịch sử dụng giấy thông hành sang thành phố Móng Cái tham quan trong ngày; tháo gỡ khó khăn cho sản phẩm xe du lịch tự lái…
Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Lưu Ninh đề xuất, hai bên cần làm tốt kiểm dịch biên giới; xây dựng cửa khẩu thông minh; thúc đẩy tuyến du lịch biển giữa hai bên; xây dựng khu hợp tác ngành nghề qua biên giới; tăng cường hợp tác các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh…