Việt Nam và Liên bang Nga đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2001 và nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012. Với dân số gần 143 triệu người, cùng với những ưu đãi thuế quan khi Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA), Nga hiện đang là thị trường truyền thống của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Về hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước đã tăng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN - EAEU FTA) đã có hiệu lực từ ngày 5/10/2016. Việc triển khai hiệu quả Hiệp định này là cơ hội để tạo bước đột phá, tiến tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD trong thời gian tới.
Sau hơn 2 năm triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga có sự tăng trưởng tích cực. Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2018, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 4,57 tỷ USD, tăng 28,63% so với năm 2017; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Liên bang Nga đạt hơn 2,44 tỷ USD tăng 12,81% so với năm 2017 và xuất khẩu từ Nga đến Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD tăng 53,38% so với năm 2017.
Trong 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Liên bang Nga đạt 1,52 tỷ USD, tăng 5,92 % so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga đạt 931,04 triệu USD, tăng 23,13 %; nhập khẩu từ Nga vào Việt Nam đạt 591,74 triệu USD, giảm 13,2 % so với cùng kỳ năm 2018.
Đặc biệt, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực từ tháng 10/2016, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã có sự tăng trưởng tích cực. Về tổng thể, Liên bang Nga chiếm hơn 90% trong tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU. Các mặt hàng điện tử, dệt may, da giày, thủy sản, cà phê... của Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng Nga quan tâm sử dụng.
Theo Bộ Công Thương, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam có kim ngạch lớn và tăng trưởng mạnh trong thời gian vừa qua gồm: điện thoại di động, dệt may, máy vi tính và linh kiện, máy móc và thiết bị, hạt điều…
Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam có tăng trưởng gồm: phân bón, lúa mỳ, máy móc, thiết bị và phụ tùng, thủy sản, các kim loại khác không phải là sắt thép, sản phẩm khác từ dầu mỏ.
Ông Đỗ Quang Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đại Hồng Phát chuyên nhập máy lọc nước mang thương hiệu Geyser cho biết, hàng hóa có xuất xứ và đặc trưng từ Nga luôn được khẳng định về chất lượng và được người tiêu dùng Việt Nam tin dùng.
Cùng với giá cả khá “mềm” nên rất thích hợp với người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều đơn vị hứng thú với việc "đánh" hàng Nga về Việt Nam, do địa lý xa nên chi phí vận chuyển cao. Mặc dù tỷ giá có lợi nhưng các loại phí hải quan, dịch vụ ngày càng tăng cao, chiếm tới khoảng 1/3 giá bán nên tính ra lợi nhuận không còn được bao nhiêu.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Nga hiện đang là thị trường truyền thống của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nói chung và hàng hóa dệt may nói riêng, đây là thị trường đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Việt Nam.
Thị trường Nga có nhiều tiềm năng, tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các chuyên gia và những doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất nhập khẩu với Nga thì việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này cũng tồn tại không ít khó khăn và trở ngại.
Kinh doanh trên thị trường Nga nói riêng và Bắc Âu nói chung đòi hỏi sự nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng để xác định rõ tiềm năng và mong muốn của đối tác, thường xuyên liên lạc với đối tác để gắn kết lâu dài.
Khi thâm nhập vào thị trường này, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn về chất lượng, giá cả, đòi hỏi cả những cách thức kinh doanh bài bản, phù hợp hơn trong điều kiện mới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đảm bảo, chất lượng tốt, cải tiến mẫu mã và xây dựng, đăng ký thương hiệu với những mặt hàng đã có uy tín ở thị trường này.
Theo Bộ Công Thương, hiện Nga đứng thứ 24 trong số 129 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 123 dự án và tổng số vốn đăng ký là 932,44 triệu USD. Nga đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực dầu khí, năng lượng.
Việt Nam có 22 dự án đầu tư vào Nga với tổng số vốn đầu tư mới và tăng vốn đạt gần 3 tỷ USD; trong đó, nổi bật là dự án nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Nga do Tập đoàn TH True Milk thực hiện với số vốn đầu tư là 2,7 tỷ USD.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, mặc dù thương mại song phương đã khởi sắc trong thời gian qua, nhưng hai bên cần tiếp tục tích cực tìm kiếm và đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cụ thể là các rào cản phi thuế quan trong thương mại nông – thủy sản, vấn đề thanh toán, chi phí vận tải.