Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Trong những năm qua, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã luôn là chủ trương lớn, được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng. Năm 1996, Việt Nam thông qua Luật Hợp tác xã đầu tiên. Từ thực tế triển khai đã ban hành Luật Hợp tác xã 2003, Luật Hợp tác xã 2012 sửa đổi, từ đó tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Chia sẻ những mục tiêu của Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh, ngày nay ở các nước phát triển, vai trò của khu vực kinh tế hợp tác xã luôn đóng vai trò hàng đầu. Điều này cho thấy cần phải phát triển nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã ở các cấp, các ngành…
Theo ông Lê Hải Bình, tới đây cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật đường lối của Đảng và Nhà nước nhằm khắc phục định kiến về mô hình hợp tác xã kiểu cũ, hoài nghi về mô hình hợp tác xã kiểu mới, bác bỏ luận điệu xuyên tạc đòi xóa bỏ kinh tế tập thể.
Bên cạnh đó, đề cao vai trò của cấp uỷ chính quyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã, phát huy tin thần tự chủ, tự giác về kinh tế tập thể, tuyên truyền mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả; phản ánh quá trình rà soát, bổ sung về cơ chế, chính sách pháp luật; tuyên truyền vai trò hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam từ Trung ương đến địa phương…
Ông Bùi Trường Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, thời gian qua chủ trương về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân được thể hiện thống nhất và xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng; trong đó, phát triển kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân theo đúng mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Từ năm 2002 đến nay, Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002, của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Tuy nhiên, ông Bùi Trường Giang cũng đặt ra những vấn đề về lý luận đó là chưa tạo bước chuyển biến căn bản trong nhận thức và tư duy lý luận về kinh tế tập thể, còn có những điểm chưa thống nhất, nội dung chưa rõ, chưa thấy được tính quy luật chung và tính đặc thù của sự hình thành, phát triển kinh tế tập thể ở nước ta trong thời kỳ mới.
Do đó, thời gian tới cần tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, thống nhất, nâng cao nhận thức, hình thành hệ thống lý luận nền tảng về kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác và hợp tác xã trong thời kỳ mới.
Ngoài ra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể; hoàn thiện đồng bộ chính sách thúc đẩy, hỗ trợ, cơ chế huy động, bảo đảm các nguồn lực phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, hợp tác xã .
Theo ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đây là lần đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo, Liên minh Hợp tác xã và các cơ quan báo chí tổ chức một hội nghị quy mô lớn, kết hợp các gian trưng bày sản phẩm của các hợp tác xã để các cơ quan báo chí có cơ hội tuyên truyền thúc đẩy các thương hiệu sản phẩm của hợp tác xã tới người dân trong cả nước.
Các cơ quan báo chí đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, phân tích lợi ích của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển kinh tế xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, tuyên truyền các mô hình hợp tác xã kiểu mới, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực vùng miền hiệu quả; phát hiện những cách làm hay, điển hình tiên tiến; tìm tòi, phổ biến kinh nghiệm, giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên thế giới và khu vực.
Đặc biệt, báo chí đã trở thành một trong những kênh thông tin hữu hiệu nhất hiện nay trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, là cầu nối giữa hợp tác xã, doanh nghiệp và người tiêu dùng, giúp người dân - hợp tác xã - doanh nghiệp tìm đến với nhau. Qua đó triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thông qua việc giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra.
Ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh, nhờ thông tin báo chí, nhiều hợp tác xã đã bước đầu tận dụng được Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và các FTA khác, mở ra con đường đưa sản phẩm Việt Nam đến EU và nhiều thị trường quan trọng của thế giới.
Không dừng lại ở việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, nhiều khó khăn, vướng mắc của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã được báo chí đi sâu, phản ánh trung thực, đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Qua đó, vai trò của kinh tế tập thể được đánh giá đúng hơn, đầy đủ hơn, nhiều mô hình hợp tác xã mới ra đời, khu vực kinh tế tập thể ngày càng được nâng cao về quy mô và chất lượng.
Ngày nay, báo chí tiếp tục đồng hành tích cực cùng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Đáng chú ý, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đang trong quá trình thay đổi cơ bản hướng đến sự ra đời của các khu sản xuất tập trung, các vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn và các chuỗi liên kết sản xuất. Điều này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng thành tựu khoa học – công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm và chuyển đổi số là hướng đi đúng đắn và cấp thiết.
Do vậy, báo chí với vai trò định hướng tư tưởng xã hội cần nỗ lực tuyên truyền để hợp tác xã hiểu rõ hơn khó khăn, thuận lợi và trên hết là lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, từ đó thay đổi nhận thức, tư duy, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể chủ động tham gia.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định, thời gian qua, nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số làm thay đổi so với phương thức quản trị truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã diễn ra chậm; khoảng 50% số hợp tác xã được khảo sát chưa có định hướng và kế hoạch chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng thông tin của phần lớn hợp tác xã ở mức thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số…
Do đó, để thúc đẩy nhanh quá trình này, ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng kiến nghị cần ban hành hướng dẫn về chuyển đổi số cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo ngành, lĩnh vực mà các bộ, ngành, địa phương quản lý trên cơ sở Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Mặt khác, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công nghệ số, kinh tế số và chuyển đổi số; hỗ trợ đào tạo, tập huấn về công nghệ thông tin, kiến thức và các kỹ năng chuyển đổi số, giải pháp chuyển đổi số đối với các loại hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.