Trình bày dự thảo báo cáo, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Lê Thái Phương cho biết: Công tác xây dựng chương trình, kế hoạch; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước luôn được Bộ Tư pháp đặc biệt chú trọng. Bên cạnh đó, việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác bồi thường Nhà nước cũng được Bộ Tư pháp cùng các bộ, địa phương chủ động triển khai hiệu quả.
Từ năm 2018 đến ngày 30/6/2023, Bộ Tư pháp đã ban hành gần 400 văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc pháp luật, hướng dẫn, hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường; tổ chức đoàn công tác hỗ trợ trực tiếp người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường tại địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và một số bộ, ngành liên quan tổ chức 57 đoàn kiểm tra công tác bồi thường Nhà nước tại các tỉnh, thành phố; chủ động tổ chức trên 40 đoàn công tác theo dõi tình hình yêu cầu bồi thường, giải quyết bồi thường tại địa phương trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.
Về tình hình yêu cầu bồi thường, giải quyết bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả, từ khi Luật có hiệu lực (ngày 1/7/2018) đến ngày 30/6/2023, các cơ quan đã thụ lý, giải quyết 168 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong đó, số vụ đã có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật là 103 vụ việc, đạt 61,3 %, với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là hơn 76 tỷ đồng; 22 vụ việc đã đình chỉ, còn lại 43 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thi hành Luật cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước còn có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao. Công tác hướng dẫn nghiệp vụ, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về công tác này, hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường mới chỉ được thực hiện hiệu quả tại cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương...
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp xác định một số nội dung cần tiếp tục triển khai đồng bộ thời gian tới.
Theo đó, Bộ tiếp tục tổ chức thi hành hiệu quả các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho đối tượng là cá nhân, tổ chức.
Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện công tác bồi thường Nhà nước; hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường; thống nhất các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện công tác bồi thường Nhà nước, nhất là hoạt động giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực bồi thường Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tốt hơn quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại.
Tại Hội nghị, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Bộ Công an… đã thông tin về kết quả 5 năm thi hành Luật và đề xuất kiến nghị, giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành, hoàn thiện thể chế.
Nhân dịp này, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.