Tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất với dự báo tình hình tội phạm “hậu COVID-19” sẽ diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần sự phối hợp liên ngành, địa phương trong công tác phòng ngừa tội phạm trong giai đoạn hiện nay. Tham dự Hội thảo có đại diện 14 bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và đại diện một số vụ, cục trực thuộc Bộ Công an và Công an một số địa phương.
Chủ trì và phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, nêu rõ, quán triệt các chỉ thị, quy định của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về công tác phòng ngừa tội phạm, thời gian qua, Bộ Công an đóng vai trò nòng cốt đã cùng các bộ, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân triển khai nhiều biện pháp quyết liệt phòng ngừa tội phạm; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ, giữa phòng ngừa tội phạm với tấn công, trấn áp tội phạm, đạt được những kết quả tích cực. Tình hình tội phạm được kiềm chế. Những năm gần đây, số vụ phạm tội về hình sự giảm qua từng năm, như năm 2018 giảm 0,61%; năm 2019 giảm 7,39% và năm 2020 giảm 5,43%. Trong 10 tháng của năm 2021 (từ tháng 1-tháng 10), số vụ phạm tội hình sự giảm 11,23% so với cùng kỳ năm 2020.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, việc kéo giảm tội phạm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bởi chỉ cần giảm được 5% số vụ phạm tội hằng năm, nước ta sẽ có 2.000 gia đình không bị tội phạm xâm hại, cùng với đó có khoảng 2.000 người không phải chấp hành hình phạt, các cơ quan tư pháp bớt đi được số lượng lớn công việc cần phải giải quyết, tiết kiệm chi phí xã hội rất lớn.
Tuy nhiên, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cũng lưu ý, việc giảm tội phạm hiện nay chưa thực sự bền vững. Các hoạt động tội phạm còn diễn biến rất phức tạp và đang hình thành những loại hình tội phạm mới gắn liền với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Từ năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp và chưa có dấu hiệu kết thúc, tác động sâu rộng đến đến mọi mặt của đời sống xã hội, từ đó làm xuất hiện nhiều hành vi phạm tội mới, lợi dụng dịch bệnh và chính sách phòng, chống dịch bệnh để trục lợi. Điều đáng quan tâm hơn là các dự báo về dịch COVID-19 cho thấy bức tranh khó khăn về kinh tế-xã hội, sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tác động trực tiếp đến việc làm, thu nhập, đời sống của nhân dân và những vấn đề an sinh xã hội. Vì vậy, nguy cơ gia tăng tội phạm rất lớn. Cùng với đó là sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra nhanh chóng cũng kéo theo sự hoạt động của tội phạm phi truyền thống, hoạt động trên không gian mạng ngày càng phức tạp.
Trong bối cảnh như vậy, theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, công tác phòng ngừa tội phạm cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Đây là vấn đề thực tiễn đặt ra, cần có lời giải về mặt lý luận.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, công tác phòng ngừa tội phạm có phạm vi rất rộng, đòi hỏi sự tham gia đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, toàn xã hội và toàn dân. Chỉ riêng lực lượng Công an không thể thực hiện được. Ví dụ như với tội phạm giết người, trung bình một năm ở nước ta xảy ra khoảng 1.000 vụ, trong đó 90% vụ giết người là do nguyên nhân mâu thuẫn xã hội, gia đình. Nếu những mâu thuẫn này được phát hiện từ sớm sẽ không phát sinh ra hành vi phạm tội.
Với dự tham dự đông đảo của đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị các đại biểu dự Hội thảo luận, cung cấp những góc nhìn đa dạng về công tác phòng, ngừa tội phạm theo chức năng của từng ngành; giúp nhận diện đầy đủ hơn các khía cạnh của công tác phòng ngừa tội phạm, góp phần tìm ra các giải pháp hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tình hình hiện nay của tội phạm.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, trong 10 tháng của năm 2021, toàn quốc xảy ra 34.638 vụ phạm tội về trật tự xã hội, hầu hết các loại tội phạm đều giảm. Tuy nhiên, hoạt động của tội phạm hình sự còn diễn biến phức tạp, trong đó đáng lo ngại là các loại tội phạm do mâu thuẫn xã hội có xu hướng gia tăng như nhóm tội phạm mang tính bạo lực cao xảy ra nhiều (24 vụ giết người, cướp tài sản; 22 vụ giết từ 2 người trở lên, nhiều vụ giết người thân, giết người do “ngáo đá”, tâm thần); tình trạng thanh, thiếu niên đâm, đánh nhau ở nhiều địa phương làm nhiều người chết và bị thương; bạo lực gia đình, bạo hành, xâm hại trẻ em gia tăng. Dịch COVID-19 làm gia tăng 44,44% số vụ vi phạm quy định an toàn nơi đông người; chống người thi hành công vụ tăng 37,08%.
40 tham luận nêu ra và gửi tới Hội thảo đã tập trung làm rõ một nội dung trọng tâm của công tác phòng ngừa tội phạm. Về quan điểm, chủ trương phòng ngừa tội phạm, các đại biểu đã phân tích, đánh giá việc thực hiện những quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng ngừa tội phạm hiện nay; kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các quan điểm chỉ đạo cho phù hợp với tình hình mới, nhất là đề xuất bổ sung các quan điểm về phòng ngừa tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Về lý luận phòng ngừa tội phạm, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá những vấn đề mới về phòng ngừa tội phạm trong giai đoạn hiện nay, nhất là công tác phòng ngừa xã hội; nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm; kinh nghiệm của một số nước trên thế giới trong công tác phòng ngừa tội phạm.
Các tham luận tại Hội thảo cũng phân tích, đánh giá, nhận diện và dự báo tình hình tội phạm, nhất là những vấn đề phức tạp nổi lên cần tập trung giải quyết hiện nay về tội phạm hình sự; tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; tội phạm vi phạm về môi trường; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm về ma túy...
Hội thảo đã đánh giá kết quả việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm thời gian qua, bao gồm công tác phòng ngừa tội phạm, phòng ngừa xã hội của cả hệ thống chính trị và công tác phòng ngừa nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân; những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác phòng ngừa tội phạm. Từ đó, các đại biểu phân tích, làm rõ căn cứ để đề xuất những giải pháp mang lại hiệu quả và những giải pháp cần bổ sung để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm trong giai đoạn hiện nay.