Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp

Làm rõ về thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp tại phiên chất vấn về lĩnh vực tài chính chiều 8/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết: Thời gian qua, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển, tăng trưởng, đa dạng hóa sản phẩm, song đã xuất hiện một số hành vi tiềm ẩn rủi ro, vi phạm quy định pháp luật.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm rõ thêm những vấn đề các đại biểu Quốc hội chất vấn. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trước tình hình trên, từ tháng 12/2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 8 công điện và văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và nhiều văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực bất động sản.

Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Khẩn trương nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Thường xuyên theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân hoạt động theo quy định pháp luật, phát triển các thị trường lành mạnh, an toàn, hiệu quả, bền vững; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể, tổ chức, cá nhân tham gia thị trường.

Chủ động công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách; ổn định tâm lý nhà đầu tư; ngăn chặn kịp thời các thông tin thất thiệt, ảnh hưởng đến thị trường.

Lạm phát cơ bản được kiểm soát

Về kiểm soát lạm phát, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, trong khi CPI nhiều nước khu vực, thế giới tăng cao như: Indonesia là 2,8%, Thái Lan 5,19%, Philippines 4,06%, Hoa Kỳ 8,3%, Pháp 5,4%, Đức 7,8%, Tây Ban Nha 8,09%...

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: "Lạm phát 5 tháng đầu năm cơ bản được kiểm soát và thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới".

Theo Phó Thủ tướng, kết quả đạt được trong kiểm soát lạm phát, chủ yếu do Chính phủ đã triển khai yêu cầu kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội.

Ngay từ đầu năm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả để có các giải pháp điều hành giá cũng như các biện pháp bảo đảm nguồn cung phù hợp, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu; Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; Quản lý, điều hành giá cả các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, giá dịch vụ công Nhà nước quản lý giá; Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá; giám sát chặt chẽ hoạt động đăng ký, kê khai giá của doanh nghiệp. Đồng thời, chủ động kịch bản điều hành giá xăng, dầu phù hợp.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp nêu trên để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.

Riêng đối với sách giáo khoa, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để quản lý giá sách giáo khoa theo quy định của pháp luật về giá và phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi học sinh được tiếp cận sách giáo khoa với giá cả hợp lý.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương đề xuất các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu, nhất là: Rà soát điều chỉnh khoản chi phí định mức trong giá xăng dầu; Nghiên cứu, điều chỉnh thuế suất thuế Giá trị gia tăng, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Bảo vệ môi trường áp dụng đối với xăng dầu để kiểm soát mặt hàng này.

Đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước

Về đổi mới, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ đồng tình với ý kiến của các đại biểu cho rằng, "việc cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước thời gian qua còn chậm".

Phó Thủ tướng dẫn chứng, giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 30% kế hoạch. Từ năm 2021 đến nay chỉ cổ phần hóa 5 doanh nghiệp, thoái vốn tại 38 doanh nghiệp.

Cho rằng, các nguyên nhân chậm đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Để đẩy nhanh tiến độ đổi mới, cơ cấu lại, thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1 Nghị định, 3 Quyết định, 1 Nghị quyết về cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Các chính sách này đã cơ bản đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 478/CĐ-TTg ngày 27/5/2022 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Về kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025, Phó Thủ tướng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp xong phương án của các bộ, ngành, 63 địa phương và dự thảo kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã họp và cho ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp thu, hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 6/2022.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh việc cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo vệ tối đa lợi ích của nhà nước.

V.T/Báo Tin tức
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Vướng mắc kinh phí chi cho trọng tài SEA Games 31 cơ bản được giải quyết
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Vướng mắc kinh phí chi cho trọng tài SEA Games 31 cơ bản được giải quyết

Làm rõ thêm về ý kiến của đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về thủ tục trong chi trả kinh phí cho trọng tài làm nhiệm vụ tại SEA Games 31, chiều 8/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Việc tổ chức SEA Games 31 được lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Tổng kinh phí chi cho tổ chức SEA Games 31 đã được Quốc hội quyết định, trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là một trong những đơn vị thụ hưởng, cùng một số bộ, ngành địa phương khác thực hiện nhiệm vụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN