Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, Hội thảo là cơ sở để tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới” gắn với tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
Bà Hà Thị Nga thông tin, các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ các nhóm phụ nữ phù hợp với điều kiện, đời sống của phụ nữ được nâng lên. Đội ngũ cán bộ nữ tăng về số lượng và chất lượng, được trẻ hóa, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu. Cán bộ nữ cấp ủy 3 cấp (cấp xã, huyện, tỉnh) đều đạt và vượt chỉ tiêu, trong đó, tỷ lệ nữ cấp ủy cấp cơ sở đạt 28,6% và tỷ lệ nữ Phó Bí thư Tỉnh ủy cao nhất so với 2 khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Hội thảo diễn ra 2 phiên thảo luận, trong đó phiên 1 thảo luận về tình hình thực hiện công tác phụ nữ và việc triển khai chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù; phiên 2 thảo luận về công tác cán bộ nữ và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ nữ.
Đại diện các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam có nhiều ý kiến tham luận, phản ánh một số vấn đề xã hội ảnh hưởng đến đời sống phụ nữ, rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ dân tộc thiểu số, công tác chỉ đạo của cấp ủy đối với tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương, chính sách hỗ trợ các nhóm phụ nữ đặc thù (dân tộc thiểu số, khuyết tật, đơn thân, cao tuổi, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, lao động nữ di cư, chuyển đổi nghề...).
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện cho công tác phụ nữ, chăm lo đối với nhóm phụ nữ đặc thù.
Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách, chương trình, đề án, dự án trên địa bàn như hỗ trợ 666 phụ nữ khởi nghiệp với số tiền trên 30 tỷ đồng, hỗ trợ nâng cao năng lực cho hơn 1.200 phụ nữ chủ doanh nghiệp, nữ chủ hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ kinh doanh và hỗ trợ thành lập 72 tổ hợp tác, 42 tổ liên kết, 11 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ hoặc tham gia quản lý…
Các đại biểu đề xuất nhiều nội dung quan trọng như: tăng độ tuổi quy định đối với việc cử cán bộ tham gia lớp đào tạo sau đại học; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng xử lý tình huống cho cán bộ làm công tác Hội Phụ nữ, nhất là cán bộ phụ nữ ở cấp thôn, bản (khóm, ấp)…
Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang ghi nhận các kiến nghị, đề xuất và đề nghị, Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố cần nắm tình hình phụ nữ và các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, từ đó đổi mới nội dung, phương thức hoạt động sát yêu cầu thực tiễn.
Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy tiếp thu ý kiến của đại biểu và theo sát, đánh giá đúng tình hình nhân dân, tình hình phụ nữ ở địa phương, xác định vấn đề liên quan đến phụ nữ. Trên cơ sở đó, tham mưu cụ thể cho cấp ủy trong việc xác định cơ chế ưu tiên của địa phương để tổ chức thực hiện.
Các tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, đặc biệt là người đứng đầu về công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới.