Phát huy vai trò của nhân dân tham gia chống tham nhũng, tiêu cực 

Qua Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Vĩnh Long bày tỏ sự đồng tình cao những kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã tạo được niềm tin trong nhân dân; đồng thời mong muốn để người dân tham gia, phát huy vai trò của nhân dân tham gia chống tham nhũng, tiêu cực. 

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tạo niềm tin trong nhân dân

Ông Ngô Thanh Tiết (phường 4, thành phố Vĩnh Long) cho rằng, đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, bàn về tổng kết những kết quả, kinh nghiệm nhằm giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và hệ thống chính trị; củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và với vai trò đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có sự xoay chuyển rõ nét với nhiều bước tiến mới rất quan trọng.

Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Bách Khoa khẳng định, trong giai đoạn 10 năm qua, nhất là hơn 5 năm gần đây, công tác phòng, chống và xử lý tham nhũng của Đảng ta rất hiệu quả. Có thể nói chưa bao giờ Trung ương quan tâm và chỉ đạo, xử lý nhiều cán bộ như thế. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, việc này hết sức đau xót nhưng mà không thể không làm, bởi vì nó ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ và của cả đất nước. Đây được xem là thắng lợi rất lớn, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, là điều người dân hết sức phấn khởi.

Ông Nguyễn Bách Khoa nhấn mạnh, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta xây dựng đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, thế và lực như hiện nay, chính vì thế, nếu chúng ta không làm quyết liệt và không làm hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng thì cơ đồ sẽ từng bước suy giảm và suy sụp, nhất là mất đi niềm tin trong nhân dân. 

Theo Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Vĩnh Long Lưu Thành Công, người dân rất tán đồng với quan điểm về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta hiện nay, đó là việc làm thường xuyên, liên tục, không ngơi nghỉ; công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt, không có vùng cấm và việc xử lý không chịu bất kỳ áp lực nào.

Phát huy vai trò của nhân dân tham gia chống tham nhũng, tiêu cực

Theo ông Lưu Thành Công, đối với việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở các tỉnh, thành phố hiện nay cần xem xét cơ cấu người dân tiêu biểu vào Ban Chỉ đạo để tăng thêm tính khách quan, công bằng, cũng như phát huy tốt vai trò kiểm tra, giám sát, phát hiện các vụ việc từ người dân.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, điều kiện, công cụ để người dân tham gia rộng rãi vào công cuộc phòng, chống tham nhũng. Người dân khi thấy hiện tượng tiêu cực phải biết phản ảnh với cơ quan, tổ chức và bằng cách nào, với hình thức nào. Đồng thời, cần có quy định khen thưởng, nêu gương và bảo vệ những người dám tố cáo hành vi tham nhũng. 

Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Bách Khoa cho rằng, cần xây dựng và tạo được cơ chế để cán bộ "không muốn, không thể và không dám" tham nhũng. Theo đó, cần  kiểm soát quyền lực để cán bộ, đảng viên không thể tham nhũng; chú trọng công tác giáo dục cán bộ, đảng viên, nhất là những người ở các vị trí có thể tham nhũng không muốn tham nhũng; nâng cao ý thức cán bộ, đảng viên được như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói "danh dự mới là cái quan trọng". Bên cạnh đó, suốt những năm qua, Đảng ta tập trung giáo dục cán bộ, đảng viên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây được xem là yếu tố quan trọng góp phần đẩy lùi tham nhũng trong thời gian tới nếu việc học tập và làm theo Bác đi vào thực chất.

Mặt khác, các cấp, các ngành cần phát huy đấu tranh xây dựng nội bộ, phát huy dân chủ, tạo cơ chế để cán bộ, đảng viên mạnh dạn đấu tranh; phát huy mạnh mẽ vai trò của báo chí cách mạng trong công tác phòng, chống tham nhũng; phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Một yếu tố hết sức quan trọng khác đó là nêu vai trò nêu gương của người đứng đầu. Trong công tác cán bộ, phải lựa chọn những người đứng đầu thực sự tiêu biểu, gương mẫu về phẩm chất đạo đức, nhất là "nói không với tham nhũng".   

Ông Ngô Thanh Tiết (phường 4, thành phố Vĩnh Long) cho rằng, thời gian gần đây, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho nhà nước, do đó Trung ương cần xử lý nghiêm để tạo sự răn đe, trong xử lý quán triệt tinh thần không có vùng cấm, không chịu sự tác động nào. Bên cạnh đó, từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm nhằm mang lại những chuyển biến tích cực trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.

Phạm Minh Tuấn (TTXVN)
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - tiêu trừ cái xấu, tạo nên những nhân tố mới, nhân tố tích cực
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - tiêu trừ cái xấu, tạo nên những nhân tố mới, nhân tố tích cực

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022 lần đầu tiên được Bộ Chính trị tổ chức đã nhận được sự quan tâm theo dõi và ý kiến đồng tình từ cán bộ, đảng viên và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN