Phát huy cao nhất trách nhiệm người đại biểu dân cử

Thời gian qua, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh luôn có những đóng góp tích cực trong các kỳ họp, được Quốc hội đánh giá là một trong những đoàn có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm tham gia xây dựng các dự án luật và nghị quyết sát với cuộc sống nhân dân, xuất phát từ thực tiễn ở địa phương.

Đưa vấn đề của tỉnh đến nghị trường Quốc hội

Từ thực tiễn phát triển của Quảng Ninh, hằng năm, Đoàn ĐBQH tỉnh đều thành lập đoàn giám sát, xây dựng kế hoạch, tổ chức và nghiên cứu các báo cáo giám sát.

Riêng năm 2022, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức giám sát, làm việc trực tiếp với 39 cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đối với 4 chuyên đề: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021; thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến 1/7/2021.

Trong quá trình giám sát, nhiều điểm mới, sáng tạo, mô hình hay, cách làm hiệu quả của Quảng Ninh trong thực hiện chính sách pháp luật có liên quan, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được đoàn giám sát tổng hợp, ghi nhận báo cáo với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời qua đó cũng phát hiện những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực hiện chính sách pháp luật từ thực tiễn trên địa bàn Quảng Ninh, từ đó kiến nghị, đề nghị với UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc khắc phục tồn tại, hạn chế; kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung, sửa đổi những quy định liên quan đến chính sách pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực tiễn triển khai.

Đặc biệt trong thời gian ngắn, theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cuộc giám sát chuyên đề việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao về cách làm, cách triển khai của Quảng Ninh. Những kiến nghị sau giám sát được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tiếp thu đưa vào báo cáo giám sát, làm cơ sở, nền tảng để Quốc hội tiếp tục nghiên cứu xem xét ban hành nghị quyết thực hiện đối với các tỉnh, thành khác trong thời gian tới.

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, tích cực triển khai nhiều nội dung trước kỳ họp. Cụ thể, về tiếp xúc cử tri trước kỳ họp: Đoàn đã tổ chức cho 8/8 ĐBQH trong Đoàn tiếp xúc cử tri định kỳ theo quy định tại 13 địa phương trong tỉnh để thông báo tới cử tri về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp. Tại các hội nghị tiếp xúc, có trên 3.900 cử tri tham dự với tổng số 69 lượt cử tri phát biểu ý kiến. Trong đó có 6 nội dung ý kiến, kiến nghị gửi đến các cơ quan, bộ, ngành trung ương để xem xét, giải quyết, trả lời cử tri.

Bên cạnh đó, Đoàn tổ chức 2 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề để nắm bắt sâu một số vấn đề ĐBQH quan tâm liên quan đến việc lấy ý kiến tham gia vào thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Hải Hà; lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội trình tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh và 60 cử tri là cán bộ công đoàn các cấp, công đoàn cơ sở doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn đang tham gia BHXH, đã thanh toán BHXH 1 lần, cán bộ công đoàn đã nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh...

Đối với nội dung tham gia xây dựng pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức tại địa phương, các chuyên gia và đối tượng chịu tác động của dự án luật thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Lấy ý kiến bằng văn bản, tổ chức các hội nghị, hội thảo, khảo sát, tiếp xúc cử tri chuyên đề. 

Trên cơ sở đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã và đang tổng hợp các ý kiến tham gia vào các dự án luật gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan soạn thảo luật để nghiên cứu tiếp thu; đồng thời gửi tới các vị ĐBQH trong Đoàn để nghiên cứu, trực tiếp tham gia ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.

Chú thích ảnh
ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan tham gia phát biểu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Đóng góp nhiều ý kiến chất lượng

Trong quá trình hoạt động của mình, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thường xuyên sâu sát cơ sở, luôn tư duy tìm tòi những vấn đề hay, mới từ thực tiễn của Quảng Ninh để tham góp ý kiến với Quốc hội. 

Xuất phát từ thực tế Quảng Ninh có hoạt động khai thác than, sản xuất điện, đóng góp lớn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều kiến nghị gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, trong đó có một số kiến nghị về: Sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến Luật Khoáng sản; ban hành quyết định phê duyệt các quy hoạch (Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045) theo Luật Quy hoạch làm cơ sở thực hiện các nhiệm vụ về phát triển năng lượng; tháo gỡ các khó khăn liên quan đến việc chồng lấn quy hoạch của ngành than với quy hoạch 3 loại rừng trong quy hoạch tỉnh Quảng Ninh; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất than trong việc giải quyết đền bù, hỗ trợ GPMB, thuê đất làm đường khi triển khai thăm dò; quan tâm hỗ trợ nguồn lực cho tỉnh thực hiện có kết quả chủ trương xây nhà ở hộ gia đình công nhân, bảo đảm nâng cao chất lượng cuộc sống, giữ chân thợ lò gắn bó với ngành.

Đại biểu Ngô Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh) cho biết: Từ vấn đề ở Quảng Ninh, nếu Quốc hội, Chính phủ quan tâm tạo điều kiện cho ngành than, điện phát triển, không chỉ giải quyết vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia bền vững, mà còn góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội cho khoảng 110.000 công nhân ngành than và 3.264 công nhân ngành điện hiện có trên địa bàn Quảng Ninh.

Ở một số nội dung khác, từ thực tiễn về thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại Quảng Ninh, Đoàn ĐBQH tỉnh đề xuất 19 nội dung kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong các kỳ họp. Trong đó có một số nội dung như: Xem xét việc xây dựng và ban hành Luật Y tế dự phòng; hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc thể chế về đấu thầu, mua sắm, nhất là về đấu thầu, mua sắm tập trung; rà soát đội ngũ nguồn nhân lực y tế hiện có để đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ; có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế được đào tạo đáp ứng yêu cầu, trình độ theo quy định của Bộ Y tế; ưu tiên đầu tư nâng cấp các trạm y tế đã xuống cấp, cơ sở vật chất chưa bảo đảm; chế độ chính sách đặc thù cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp 6, Quốc hội khoá XV, Đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Đoàn ĐBQH của tỉnh đã đặt câu hỏi chất vấn với Thủ tướng Chính phủ. Đại biểu nêu ý kiến: Trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ có nhấn mạnh sẽ kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính quy định về điều kiện kinh doanh gây khó khăn, tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Tôi nhất trí rất cao vấn đề này. Những phản ánh của cử tri, nhất là giải pháp nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng mà trong phiên họp chất vấn sáng hôm qua, Bộ trưởng Bộ Công an đã đưa ra giải pháp tôi rất ấn tượng, đó là "quy định cụ thể và có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt các quan hệ doanh nghiệp sân sau". Vậy tôi cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng cần phải có những giải pháp căn cơ, cốt lõi để nhận diện đúng, trúng, kịp thời cái gọi là "quan hệ doanh nghiệp sân sau", để có cơ sở thiết kế quy phạm pháp luật, tăng chế tài xử lý hoàn thiện pháp luật về liên quan.

Trả lời nội dung của đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, hiện nay thủ tục hành chính rườm rà, chính là việc gây tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Thứ hai, thái độ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức xử lý công việc theo thẩm quyền của mình mà chúng ta cứ phê phán nhiều là đùn đẩy, sợ trách nhiệm... Chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền, đối với cán bộ, công chức phải đảm bảo lợi ích tinh thần, vật chất cho họ. Trên cơ sở đó, họ đảm bảo được nhiệm vụ, chức trách được giao họ làm tốt hơn.

Bên cạnh đó chúng ta cũng có các giải pháp về tư tưởng, phải giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân với gia đình, doanh nghiệp, xã hội trong việc giải quyết các thủ tục hành chính và yêu cầu các bộ, các ngành rà soát lại các thủ tục. Trên cơ sở đó, chúng ta cắt giảm và cũng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục vào cuộc.

Đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo cấp ủy cũng huy động cả hệ thống chính trị vừa là thúc đẩy, vừa là giám sát, vừa là động viên, vừa định ra những nhiệm vụ cơ bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Giải pháp căn cơ, tôi nghĩ vẫn là các giải pháp liên quan đến tinh thần trách nhiệm, năng lực cán bộ xử lý cắt giảm các thủ tục hành chính, tăng chế tài xử lý.

Các chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết, các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị đều đã có, bây giờ chúng ta phải cụ thể hóa để tổ chức thực hiện cho tốt, trên tinh thần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cũng như các đồng chí cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ này, quyết liệt thực hiện theo chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật.

Còn tại phiên thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã có góp ý cho dự án luật rất tâm huyết. Đại biểu thống nhất với quy định về tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, đại biểu chuyên trách, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố như quy định Điều 9 của dự thảo luật. Bởi, thành phố Hà Nội là đơn vị hành chính đặc biệt, Hội đồng nhân dân ngoài việc phải thực hiện các quyết định vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. 

Hiện nay, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã và đang được phân cấp thẩm quyền quyết định nhiều vấn đề; phải ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách và theo dự thảo của Luật Thủ đô, Hội đồng nhân dân tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo phân cấp, thẩm quyền thực hiện thêm các nhiệm vụ khối lượng công việc tăng lên nhiều. Do đó, cần phải bảo đảm về bộ máy nhân lực và tài chính để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Về phân cấp cho Thường trực Hội đồng nhân dân tại khoản 4 Điều 9, đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung quy định tại dự thảo luật; đề nghị cần tiếp tục rà soát và cân nhắc thêm các nội dung: việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của thành phố và cho phép cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng thực hiện thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức của Thủ đô không vượt quá 0,8 lần so với mức lương cơ bản.  Đại biểu đề nghị quy định phù hợp với Nghị quyết 27 của Trung ương về lộ trình cải cách tiền lương, nghị quyết của Quốc hội về sử dụng nguồn cải cách tiền lương và thời hạn thực hiện chính sách tiền lương đặc thù tại các tỉnh, thành phố theo quy định chung. Đại biểu cho rằng, hiện nay chính sách cải cách tiền lương đang xây dựng nên cần có chính sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội được thực hiện ngay trong quá trình xây dựng chính sách này, để bảo đảm tính thống nhất và phù hợp.

Thứ hai là quyết định sử dụng ngân sách thành phố hỗ trợ cho địa phương khác trong nước, nước khác trong trường hợp cần thiết, đại biểu đề nghị cần có quy định Thường trực Hội đồng nhân dân được quyết định mức hỗ trợ tối đa phù hợp do Hội đồng nhân dân thành phố quyết định.

Thứ ba về quyết định chế độ tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách mới hoặc cao hơn của Trung ương để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế  -xã hội bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô, đại biểu cho rằng, trường hợp này cần thông qua Hội đồng nhân dân, bảo đảm tính đại diện của Hội đồng quyết định các vấn đề cơ chế chính sách mới, không phân cấp cho Thường trực Hội đồng nhân dân.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định trong dự thảo luật chính quyền thành phố phân cấp cho chính quyền cấp dưới, hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thẩm quyền quyết định về việc thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, khả năng năng lực thực hiện, nhằm giảm các cây áp lực công việc cho chính quyền của thành phố và giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tổ chức và doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh phát biểu ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. 

Còn Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị để phát triển bền vững Thủ đô theo hướng văn hiến, văn minh, hiện đại, tạo động lực lan tỏa cho cả nước cùng phát triển.

Về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đại biểu nhấn mạnh hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Do vậy, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này cần làm rõ một số cơ chế, chính sách đặc thù, thiết thực, áp dụng được ngay để xây dựng Thủ đô trở thành một trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế.

Những ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV rất chất lượng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và đáp ứng kỳ vọng của cử tri, nhân dân.

Thu Trang/Báo Tin tức
Đại biểu kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) giải quyết khó khăn từ cơ sở
Đại biểu kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) giải quyết khó khăn từ cơ sở

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 3/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bên lề Quốc hội, Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) đã trao đổi với phóng viên báo Tin tức về nội dung này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN