Phan Rang - Hàm Tân: Niềm vui và những giọt nước mắt

LTS: Có mặt tại Phan Rang ngay sau ngày đầu tiên Thị xã được giải phóng, nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, đã kịp thời ghi lại những khoảnh khắc quan trọng của đất nước trong bài báo “Vào Phan Rang giải phóng”. Đến nay, 45 năm đã trôi qua nhưng ký ức về những tháng ngày lịch sử ấy vẫn còn vẹn nguyên...

Chú thích ảnh
Nhà báo Trần Mai Hưởng hành quân bằng xe bò, đoạn gần Cà Ná - Phan Thiết, tháng 4/1975. Ảnh: Đinh Quang Thành

Để kịp vào Phan Rang, chúng tôi đành phải để Thái, điện báo viên và điện đài ở lại Nha Trang cùng anh Lâm Hồng Long, vì gần mặt trận rồi, những rủi ro ở phía trước chưa ai lường được. Chúng tôi mang theo Honda Dam, lên đường vào Phan Rang. Sáng ngày 17/4, chúng tôi rời Nha Trang từ sớm. Sau những trận đánh khá ác liệt ở nơi được đối phương mệnh danh là Lá Chắn Thép, quân Sài Gòn phần bị tiêu diệt, bắt sống, phần đã bỏ chạy. Chúng tôi cứ vừa đi vừa hỏi thăm tình hình cho đến trưa mới tới sân bay Thành Sơn. Quân giải phóng đã vào thị xã từ chiều hôm trước.

Dọc đường đi, dấu vết của những trận đánh lớn vẫn còn, xác xe quân sự, xe tăng vẫn còn cháy. Ở sân bay Thành Sơn, một chiếc C130 chúi đầu trên đường băng vì chưa kịp cất cánh đã trúng đạn. Sân bay ngổn ngang vũ khí cá nhân, xe cộ, quân trang. Những người lính đang chiếm giữ sân bay từ đêm qua cho chúng tôi thông tin về tình hình và đặc biệt là giúp tìm xăng để chạy xe. Những bồn xăng vẫn còn, nhưng khó phân biệt đâu là xăng dành cho ôtô, đâu dành cho máy bay, nên dễ gặp rủi ro. May là mọi chuyện ổn thỏa.

Rời sân bay, cả tổ vào ngay thị xã. Chúng tôi đi dọc theo đại lộ Thống Nhất đến Dinh tỉnh trưởng, khi đó đã là nơi ở của Ủy ban quân quản. Đập vào mắt chúng tôi là một bức ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh rất lớn treo ở trung tâm thông tin gần đấy. Rất đông bà con đang đứng lại nhìn ngắn. Một bác có tuổi nói với tôi: "Hơn ba mươi năm tui lại thấy hình cụ Hồ!".

Chúng tôi biết những người vẽ đã phải làm việc khẩn trương suốt đêm qua để kịp hoàn thành bức tranh lớn này. Đứng gác trước trung tâm lúc đó là một cô gái cao, gày, mũ tai bèo mềm mại, mặc bộ đồ nâu sẫm, gương mặt rất nhẹ nhàng. Hỏi thăm thì biết cô tên là Trần Thị Sơn. Trước đây, Sơn là thợ may ở Phan Rang, rồi tham gia họat động cách mạng, lên chiến khu đuợc hơn ba năm. Ngày giải phóng cô trở về, nhiều bà con trong phố bất ngờ khi nhận ra cô. Trong khi đứng nói chuyện với chúng tôi, vẫn có những người quen qua lại vào ôm hôn hoặc hỏi chuyện cô với một tình cảm rất đặc biệt.

Chúng tôi đi dọc bờ sông Kinh Định, thăm các nơi trong thị xã, gặp bác Chăn Thi, một Hoa Kiều đã lâu năm ở Phan Rang, trò chuyện với anh em thanh niên, học sinh ở trường Bồ Đề, Duy Tân mới tham gia lực lượng tự vệ… Chúng tôi biết rằng, tuy Phan Rang nhỏ, nhưng chiến thắng Phan Rang có ý nghĩa lớn trong việc đập tan một lá chắn của quân Sài Gòn, mở đường cho đại quân tiến về phía nam nhanh hơn.

Tối hôm đó, anh em trong tổ nghe tin Đà Lạt giải phóng, mọi người muốn vòng lên đó vì nghe nói đường cũng đã thông. Đây là một cơ hội tuyệt vời. Nhưng tôi đề nghị để tôi quay lại Nha Trang, cần có bài về Phan Rang càng sớm càng tốt. Điện đài ở đó, như Thái nói, mấy ngày ở đó sẽ cố gắng liên lạc với Hà Nội. Thế là anh Vũ Tạo đồng ý với đề nghị của tôi: Anh em trong tổ đi bằng ô tô lên Đà Lạt rồi quay về Nha Trang sau. Tôi ra Nha Trang trước bằng xe máy để kịp có bài về nhà. Tôi tiếc chuyến đi Đà Lạt lắm, nhưng công việc cần phải đặt lên trên. Tôi hiểu rằng, nếu có bài kịp thời về Phan Rang thì rất tốt cho công tác thông tin nói chung vào thời điểm đó.

Thế là sáng hôm sau, chia tay anh em lên Đà Lạt, tôi lại một mình phóng xe cả trăm cây số về Nha Trang. Đường mới, lại một mình, ngoài súng ngắn, tôi mang theo cả khẩu Ca bin báng gấp lấy ở sân bay Thành Sơn. Dù sao có thêm vũ khí cũng cảm thấy an toàn hơn ở một vùng chiến sự đang còn nóng. Rất may là không có chuyện gì xảy ra. Một buổi sáng trời rất đẹp. Cảnh sắc cuộc sống ở một vùng mới giải phóng đã cuốn hút tôi, nên không thấy nguy hiểm mà đường cũng chẳng xa!

Về đến Nha Trang, việc đầu tiên tôi hỏi Thái là điện đài. Rất may là Thái đã sửa đựơc máy, căng được ăng ten cao hơn, tránh nhiễu và liên lạc với Hà Nội được. Ngay buổi trưa, tôi ngồi viết bài “Vào Phan Rang giải phóng” rồi cùng anh Lâm Hồng Long quay máy phát để chuyển bài về cùng với báo cáo tình hình của anh em trong tổ với Hà Nội. Hôm sau, tôi hoàn chỉnh lại bài “Gặp những người khởi nghĩa” viết về Quy Nhơn và cũng phát được về nhà.

Chú thích ảnh
Bài báo “Vào Phan Rang giải phóng” của PV Trần Mai Hưởng - TTXGP.

Sáng hôm sau, các anh đi Đà Lạt đã trở về Nha Trang. Nghe kể về thành phố nổi tiếng trên cao nguyên, tôi rất tiếc và tự bảo rằng thế nào cũng phải tìm cách đến Đà Lạt sớm nhất có thể. Điều đáng nói nhất là anh Đinh Quang Thành cùng các anh đã lấy được cả bản đồ các tỉnh phía Nam, đặc biệt là bản đồ thành phố Sài Gòn tại trung tâm bản đồ ở Đà Lạt. Khi đó, không ai trong chúng tôi ngờ được rằng, chính những bản đồ đó đã được mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 sử dụng khi tác chiến ở hướng đông và tiến vào Dinh Độc Lập trong ngày 30/4.

Chúng tôi lại rời Nha Trang sau một hôm nghỉ lấy sức. Tôi cùng anh Lâm Hồng Long đi xe máy đoạn đầu, qua vùng Phan Rang, hai anh em ghé vào thăm tháp Chàm bên đường. Đường vắng, anh bảo với tôi chụp một bức ảnh làm kỷ niệm. Hai anh em để chế độ chụp tự động. Tôi không ngờ đấy là bức ảnh duy nhất tôi chụp với anh vào mùa xuân năm 1975.

Tôi biết anh đang rất nóng lòng về Hàm Tân, Phan Thiết, nơi gia đình anh ở đó. Anh đã sống ở Hàm Tân từ nhỏ và điều quan trọng hơn cả, có một người phụ nữ đang chờ anh. Đấy chính là người con gái đã hứa hôn với anh. Khi anh bị giam ở nhà lao Con Gà, Đà Nẵng, chị ấy đã ra thăm nom anh. Hai gia đình đều biết nhau, tình nghĩa sâu nặng. Ngày anh Long đi tập kết, anh đều hẹn như bao người là hai năm sau sẽ trở về. Chị nói rằng dù thế nào chị cũng đợi… Thế mà bặt tin nhau. Rồi những năm tháng xa xôi kéo dài trên đất bắc đã đưa anh đến một cuộc nhân duyên mới. Anh có gia đình với một người phụ nữ miền Bắc và đã có hai con nhỏ. Dọc đường đi, anh kể chuyện cho tôi nghe, giọng trầm trầm, buồn bã, lại có phần náo nức mong chờ. Tình cảm của con người thật là phức tạp.

Tôi biết anh đang suy tư nhiều và rất khó xử. Nếu chị ấy đã có gia đình thì đi một nhẽ, nhưng nếu chị ấy vẫn cứ chờ đợi thì anh sẽ không biết ăn nói thế nào. Đấy sẽ là một điều mà không người phụ nữ nào có thể chấp nhận được… Những suy tư ấy đã ám ảnh anh trong nhiều năm xa cách, nhưng đến giờ phút này, khi gia đình anh, những người thân và người phụ nữ ấy chỉ cách chừng một ngày đường thì sự lo lắng bồn chồn lên đến cực điểm. Có lúc ngồi uống nước dừa bên đường, anh nhìn đi đâu đó, ngẩn ngơ, tôi gọi mấy lần anh cũng không nghe thấy. Chắc anh đang nghĩ đến cảnh gặp mặt và những điều mình sẽ phải giãi bày để tìm được sự cảm thông!

Đến Phan Rang, chúng tôi nhập đoàn. Anh Lâm Hồng Long lên ô tô cùng các anh Vũ Tạo, Hứa Kiểm, Thái và Bình. Tôi và anh Đinh Quang Thành đi xe máy. Tất cả cùng hướng về Phan Thiết - Hàm Tân. Chúng tôi đến một thành phố mới, còn anh Long thì trở lại mảnh đất bao nghĩa tình sâu nặng, nơi anh đã sống tuổi thơ của mình. Anh Long tin rằng gia đình anh vẫn ở Hàm Tân, nếu có rời đâu đó thì cũng tìm ra được manh mối.

Tôi cũng nghĩ rằng mình sẽ được chứng kiến cảnh anh gặp gỡ người thân phút ban đầu. Nhưng sự thể lại không cho tôi và anh Thành có cơ hội ấy. Hai anh em đèo nhau bằng Honda đi, chẳng ngờ gần đến Cà Ná, chiếc Honda dính phải một mảnh đạn trên đường, xịt lốp. Khi ấy xung quanh vắng vẻ, không có hàng quán nào để có thể sửa được. Chúng tôi đành thay nhau đẩy xe với hy vọng là sẽ tìm được một chỗ sửa đâu đó. Nhưng đẩy mãi mà vẫn chẳng gặp chỗ nào. Đường về Cà Ná còn khá xa so với tốc độ đi bộ đẩy xe của hai anh em. Sức cũng đã mệt vì lăn lóc bao ngày đường, giờ lại đi bộ dưới cái nắng thiêu đốt của miền trung.

Rất may, ở phía sau có một chiếc xe bò đang đi tới. Anh Thành ra hiệu cho chủ xe, một bác trung niên có nước da xạm nắng, đội mũ vải bạc màu, dừng lại. Chúng tôi hỏi chuyện thì được biết bác đang đi kiếm vật liệu về để sửa nhà. Trên xe chất ít đồ đạc thu gom được. Bác đồng ý cho chúng tôi đưa Honda lên xe bò và để hai anh em ngồi ghé cho đỡ mệt cho đến Cà Ná. May mắn vô cùng. Khi buộc xe xong rồi ngồi lên, hai anh em còn chụp cho nhau một kiểu ảnh độc đáo: Phóng viên Thông tấn xã hành quân trong mùa xuân 1975 trên chiếc xe bò!

Chúng tôi ngồi xe bò đến Cà Ná vào lúc cuối chiều. Một thị trấn nhỏ với nghề làm muối nối tiếng lâu đời. Bà con thị trấn rất ngạc nhiên khi thấy hai nhà báo giải phóng đến thị trấn trong tình huống như vậy. Mọi người giúp chúng tôi vá xe, lo cho chỗ nghỉ để sáng mai hành quân tiếp. Một kỷ niệm rất đẹp trong mùa xuân ấy.

Tôi nhớ mãi bữa cơm chiều thân tình ở thị trấn. Bà con hỏi về cách mạng, về giải phóng. Nhiều người còn muốn kể chuyện về miền Bắc, về Hà Nội. Chúng tôi có một khoảng thời gian cuối ngày đi thăm đồng muối khi chiều xuống. Cảnh biển rất đặc trưng của vùng này đã cuốn hút chúng tôi. Một điều rất lạ là chỉ ít ngay trước đây, Cà Ná là vùng do quân đội Sài Gòn kiểm soát. Vậy mà tôi chẳng cảm thấy điều gì xa lạ. Tất cả đều rất thân thuộc, cởi mở và không có gì phải e dè. Tất nhiên, lúc ngủ tôi vẫn cẩn thận để khẩu súng ngắn trên đầu giường để đề phòng, nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra.

Chú thích ảnh
Con đường mang tên Lâm Hồng Long ở thành phố Phan Thiết, quê hương ông. Ảnh: Hữu Thành

Sự trục trặc ở việc này lại cho người ta một cơ hội khác. Nếu xe không thủng săm thì chúng tôi sẽ không có một kỷ niệm không bao giờ quên ở Cà Ná. Nhưng chúng tôi không kịp có mặt ở Hàm Tân tối đó để chứng kiến những giây phút đầu tiên anh Lâm Hồng Long đoàn tụ với gia đình sau 21 năm xa cách. Và cả giây phút anh gặp lại người con gái đã hứa hôn vẫn chung thủy đợi chờ anh cho đến ngày thống nhất…

Tối đó, anh em trong đoàn, anh Vũ Tạo, anh Hứa Kiểm cùng với Bình, Thái đã cùng anh Long về thăm gia đình anh ở Hàm Tân và được tận mắt chứng kiến niềm vui và những giọt nước mắt của phút giây gặp gỡ xúc động đó. Hôm sau, tôi chỉ được nghe anh Hứa Kiểm kể lại và rất tiếc về điều ấy!

Sáng hôm sau, anh Thành và tôi tạm biệt Cà Ná đi về Hàm Tân. Chúng tôi đã đến thăm gia đình anh Long, chia sẻ với anh niềm vui gặp gỡ và ăn một bữa cơm thân tình. Gia đình vẫn ở ngôi nhà cũ. Bố mẹ anh và các anh chị đều có mặt. Khi ra đi, anh Long là một cán bộ hoạt động cách mạng. Bây giờ trở lại, anh đã là một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng, lại trở về cùng với đoàn quân giải phóng ngay những ngày đầu tiên. Còn niềm vui, niềm tự hào nào hơn.

Anh em trong đoàn kể cho mọi người trong gia đình anh về đoạn đường chúng tôi đã đi qua từ Huế vào đến Hàm Tân. Chúng tôi còn cho những người thân và bà con hàng xóm của gia đình anh biết  rằng anh đã đi theo Bác Hồ, đi thăm nhiều nơi trên thế giới, được gặp và chụp ảnh Bác với nhiều nhà lãnh đạo các nước. Anh cũng chính là người chụp bức ảnh lịch sử “Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn” nổi tiếng…

Chỉ có chuyện đời riêng, chúng tôi không dám động đến. Chuyện anh đã xây dựng gia đình với một người con gái miền Bắc vì những năm xa cách quá dài và đã có hai con. Không biết anh Long sẽ bắt đầu câu chuyện ấy như thế nào. Trong bữa cơm, có một người phụ nữ chỉ ra chào rồi vào bếp làm các món ăn, thỉnh thoảng chị mới đi ra phòng khách. Đây là một người phụ nữ đã có tuổi nhưng vẫn còn có những nét thanh tú, người mảnh, mặc bộ đồ màu trắng có hoa xanh nhạt, trông rất hiền và đượm nét buồn. Linh cảm cho tôi biết rằng đó chính là người phụ nữ đã chờ đợi anh dù chưa nên vợ nên chồng.

Anh Hứa Kiểm bấm tôi ra ngoài hành lang nói nhỏ:

- Chị ấy đấy, vẫn chờ anh Long thế mới chết chứ, trong khi ông anh đã có gia đình ngoài đó rồi… Hôm qua ông Long đã gặp bà ấy rồi, chắc nói nhiều chuyện nên bà ấy cũng có phần nào hiểu được. 

Rồi anh Kiểm nói tiếp:

- Sáng nay mình và anh Tạo cũng gặp chị ấy rồi, góp vài tiếng nói cho ông anh đỡ lúng túng. Nhưng bà ấy rộng lượng lắm. Bà cũng tham gia hoạt động cách mạng ở trong này và là người hiểu biết. Bà ấy chỉ phàn nàn: Tôi giận nhất là những lúc tình hình trong này tối tăm, ngày trở về không biết thì cũng có thể tìm ai thương mà nương tựa. Đằng này, mãi những năm sau này, phong trào đã lớn mạnh, tình hình sáng hơn rất nhiều thì anh ấy mới làm việc đó! Nhưng trong lời trách móc ấy cũng đã hàm chứa cả tình thương yêu và sự bao dung nhân ái rồi.

Sáng hôm sau, chúng tôi lại rời Hàm Tân để đi tiếp vào trong, thời gian đang gấp rút. Anh Vũ Tạo, sau khi trao đổi với Hà Nội, đã quyết định để anh Lâm Hồng Long ở lại cùng gia đình ít ngày. Lúc chia tay, anh Long rất ngần ngừ và đầy vẻ luyến tiếc. Anh không thể đi ngay và chúng tôi cũng không thể chờ anh. Ý định của tôi muốn gặp anh chị để hỏi thêm ít điều về câu chuyện tình yêu rất độc đáo của họ đành phải gác lại.

Lúc chia tay, anh Long ôm từng anh em trong đoàn rất chặt. Tới lúc ấy, chúng tôi đi cùng nhau chưa được một tháng, nhưng đã cùng chứng kiến bao điều lớn lao, tình cảm thật sâu nặng. Khi đó, cũng không ai nghĩ rằng, chỉ ít ngày sau, anh lại một mình một xe Honda theo những cánh quân thần tốc và có mặt ở Sài Gòn đúng ngày 30/4. Anh, với nhiệt huyết và sự nhạy cảm bẩm sinh của một nhà báo, một nghệ sĩ lớn, đã không bỏ lỡ cơ hội có một không hai trong cuộc đời mình.

Trần Mai Hưởng
Dấu ấn trận đánh đập tan 'Lá chắn thép Phan Rang'
Dấu ấn trận đánh đập tan 'Lá chắn thép Phan Rang'

Những ngày này, Trung tá Nguyễn Trọng Nghĩa (72 tuổi) như sống lại một thời hào hùng gắn bó với Đại đội Đặc công 311 do ông trực tiếp chỉ huy chiến đấu đập tan “Lá chắn thép Phan Rang”, giải phóng Ninh Thuận vào ngày 16/4/1975.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN