Phân định phạm vi thanh tra và kiểm tra chuyên ngành để rõ trách nhiệm

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 8/5, thảo luận ở tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), nhiều đại biểu tán thành với việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra; tuy nhiên còn nhiều băn khoăn về việc làm thế nào để sau sắp xếp hoạt động thanh tra bảo đảm bao quát các lĩnh vực quản lý Nhà nước, hiệu lực, hiệu quả; không chồng chéo với hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Chú thích ảnh
Đại biểu các tỉnh Hậu Giang, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Lào Cai thảo luận tại tổ. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong dự án Luật

Đánh giá cao hồ sơ dự án Luật do Chính phủ trình Quốc hội và tán thành với sự cần thiết, quan điểm, nguyên tắc và nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) đề nghị rà soát, quán triệt sâu sắc để thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong các nghị quyết, kết luận và chỉ thị có liên quan, trong đó có Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Ông dẫn chứng một số nội dung cần được thể chế hóa trong các Nghị quyết trên. Chẳng hạn, Nghị quyết số 57-NQ/TW đề ra mục tiêu đến năm 2030 “Quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu các ngành; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số, hình thành sàn giao dịch dữ liệu”.

Nghị quyết số 68-NQ/TW đề ra nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân; trong đó nhấn mạnh “Chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết; bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm 1 lần đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc doanh nghiệp vi phạm; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Xây dựng hệ thống dữ liệu và công cụ trí tuệ nhân tạo cảnh báo sớm về các nguy cơ vi phạm pháp luật. Ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Triển khai thanh tra, kiểm tra trực tuyến, ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp. Miễn kiểm tra thực tế đối với các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật”.

Từ các dẫn chứng trên, đại biểu đề nghị rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện các quy định liên quan trong toàn bộ dự thảo Luật để thể chế hóa, số hóa quy trình và hoạt động thanh tra; nghiên cứu bổ sung một điều riêng quy định về xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra, bảo đảm liên thông, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu khác có liên quan (như cơ sở dữ liệu về kiểm toán); trong dự thảo Luật chỉ có Điều 60 quy định về hiện đại hóa hoạt động thanh tra.

Về phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra (từ Điều 56 đến Điều 58), theo đại biểu Thi, để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, cần nghiên cứu, làm rõ và bổ sung các quy định về nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm phối hợp trong các hoạt động thanh tra, từ khâu lập kế hoạch, triển khai các hoạt động thanh tra, đặc biệt trong việc chia sẻ, tích hợp thông tin, dữ liệu của các bên liên quan; cần bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước quản lý ngành, lĩnh vực.

Phân định trách nhiệm, phạm vi thanh tra và kiểm tra chuyên ngành

Cho biết hiện trong hoạt động thanh tra có thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, tuy nhiên tới đây sẽ thống nhất một hoạt động thanh tra, khi kết thúc thanh tra chuyên ngành thì một phần chuyển sang cơ quan thanh tra, phần cơ bản còn lại chuyển thành kiểm tra chuyên ngành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Ngô Trung Thành nêu rõ, điều quan trọng nhất là phân định trách nhiệm, phạm vi thanh tra với kiểm tra chuyên ngành, bởi nếu không phân định được thì không rõ trách nhiệm. 

Ông ví dụ, dự thảo luật bổ sung nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ là “thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ đối với Bộ không có Thanh tra Bộ”; “thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ không có Thanh tra Bộ”, còn các bộ có trách nhiệm kiểm tra. 

Chú thích ảnh
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang và Khánh Hòa thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

“Nếu xảy ra vi phạm ở trong cơ quan đó thì trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ đến đâu, trách nhiệm của bộ đến đâu?”, ông Thành đặt câu hỏi. 

Theo đại biểu Ngô Trung Thành, nếu không phân định rõ phần nào của thanh tra, phần nào của kiểm tra chuyên ngành thì sau này có chuyện gì xảy ra “rất khó xác định trách nhiệm”.  Nếu không rõ trách nhiệm thì quản lý Nhà nước cũng sẽ gặp khó khăn. 

Cũng thống nhất việc không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) băn khoăn về sự phù hợp và tính khả thi khi áp chung một trình tự, thủ tục, bởi luật hiện hành đang quy định thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành theo trình tự, thủ tục khác nhau.

Cùng băn khoăn này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới đề nghị cơ quan soạn thảo phải có một điều quy định về thủ tục. Nếu không thể quy định được trong luật thì phải giao cho Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành thủ tục thanh tra về hành chính và thanh tra về chuyên ngành cho phù hợp.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ nhất Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ nhất Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Quốc hội

Chiều 8/5/2025, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên họp thứ nhất Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Quốc hội lần thứ nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN