Phù hợp với yêu cầu thực tiễn
Trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, quán triệt phương châm ngay từ đầu nhiệm kỳ là “Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”; kế thừa kinh nghiệm quản lý điều hành từ các nhiệm kỳ trước, Chính phủ đã khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch, triển khai đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020; hằng năm đều đề ra phương châm hành động, quan điểm điều hành và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu thực tiễn, không ngừng đổi mới mạnh mẽ, kiên định, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu được Đảng, Quốc hội đề ra.
Trước tình hình dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất quan điểm điều hành với tinh thần “khó khăn gấp hai thì phải nỗ lực, cố gắng gấp ba”, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa quyết liệt phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân; phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong điều kiện “bình thường mới”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu rõ, trong quản lý điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn sâu sát thực tiễn, nhận định đúng tình hình, tranh thủ thời cơ, chủ động biến thách thức thành cơ hội, tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp; chủ động rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, kiến thiết các cơ chế, chính sách, pháp luật, khơi thông, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.
Trong suốt nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là năm 2020, nhưng với sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, sự đóng góp to lớn của toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật, tô đậm thêm thành quả 35 năm đổi mới, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Trong đó, năm 2018 và 2019, Chính phủ đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao; riêng năm 2020, mặc dù gặp tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, thiên tai, bão, lũ, nhưng đã hoàn thành 8/12 chỉ tiêu Quốc hội giao và thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu rõ, với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm 2021, Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, không lơ là, chủ quan trước đại dịch; tranh thủ thời cơ, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong “trạng thái bình thường mới” ; phát huy trách nhiệm người đứng đầu, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021 và tạo nền tảng vững chắc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
Báo cáo của Chính phủ cũng đánh giá cụ thể về những ưu điểm cũng như tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm.
Cho ý kiến vào nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ thêm về những kết quả đạt được, cũng như phương hướng công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh trên cơ sở tổng hợp các báo cáo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Báo cáo của Chính phủ trình bày về nội dung này còn ít, chưa tương xứng với các nội dung khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, Chính phủ đã hoàn thành xuất sắc vai trò quốc tế của Việt Nam, thể hiện qua Năm APEC Việt Nam 2017, Năm Chủ tịch ASEAN 2020 và hiện tại nước ta đang đảm nhiệm trọng trách Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, được lựa chọn là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên… Cùng với đó, Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mở ra động lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, nhiệm kỳ qua, tinh thần thượng tôn pháp luật được chấp hành rất tốt. Lần đầu tiên Chính phủ đã xây dựng trục liên thông văn bản được ví như tuyến đường cao tốc với sự kết nối của các cơ quan từ Trung ương tới các địa phương. Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội cũng nêu ý kiến về việc chưa có công trình trọng điểm quốc gia nào được triển khai như một điểm nhấn trong nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ. Tiến độ dự án sân bay quốc tế Long Thành còn chậm trong khi đây là dự án “vắt từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII sang”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, báo cáo của Chính phủ được chuẩn bị rất nghiêm túc, công phu, rõ ràng. Đây là nhiệm kỳ Chính phủ rất thành công. Trong bối cảnh, điều kiện có nhiều khó khăn nhưng Chính phủ vẫn vững vàng “chèo lái” nền kinh tế đất nước, đạt được thành tựu rất có ý nghĩa. Chính phủ rất năng động, sáng tạo, chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành; thực hiện nghiêm Hiến pháp và quy định của pháp luật; Thủ tướng và các thành viên Chính phủ luôn nghiêm túc báo cáo giải trình trước Quốc hội, lắng nghe và giải trình ý kiến của từng đại biểu Quốc hội.
Nhất trí với Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao kết quả công tác đối ngoại của nước ta trong nhiệm kỳ vừa qua.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khẳng định Chính phủ cũng sẽ làm rõ thêm một số vấn đề mà báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đã nêu ra, hoàn thiện báo cáo của Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Kết quả của nhiệm kỳ có nhiều đổi mới, sáng tạo
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, qua ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, báo cáo của Chính phủ được chuẩn bị công phu, nghiêm túc.
Về nội dung, báo cáo có bố cục hợp lý, gồm 4 phần: Về công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ; kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2021; những ưu điểm, hạn chế, thiếu sót, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; định hướng và nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong nhiệm kỳ tới.
Tuy nhiên, trong phần bố cục, Chính phủ tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội, cân đối hơn về chi tiết đánh giá từng phần một, nhất là bất cập, thiếu sót, nguyên nhân.
Về nội dung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là kết quả của nhiệm kỳ mà Chính phủ có nhiều đổi mới, sáng tạo, năng động, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và các nghị quyết của Chính phủ ngay từ đầu nhiệm kỳ, được thể hiện ở tất cả các khía cạnh về kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, văn hóa-xã hội, đối ngoại, cải cách thể chế…
“Đây là một nhiệm kỳ mà Chính phủ thể hiện rõ vai trò là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất và cơ quan hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội. Đây là một nhiệm kỳ mà có thể nói để lại nhiều dấu ấn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Hiến pháp, pháp luật với tinh thần thượng tôn pháp luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung thêm phần công tác bảo đảm an ninh quốc phòng, nhất là khi phát triển kinh tế gắn với quốc phòng-an ninh; những biện pháp bảo đảm quốc phòng-an ninh khu vực biên giới trên biển, trên đất liền; gắn với biện pháp trong nghị quyết về giám sát của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm nổi bật hơn thành tựu hoạt động đối ngoại của Nhà nước, trong đó có đóng góp rất quan trọng của Chính phủ, nhất là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, các diễn đàn APEC, ASEAN…
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ hơn mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, đặc biệt là mối quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan Quốc hội, các cơ quan Bộ, ngang Bộ và giữa Quốc hội với Chính phủ trong thực hiện chức năng của mình để thực hiện các nhiệm vụ chung. Trong phần bài học kinh nghiệm, cần bám sát vào cách xử lý, chủ động nắm tình hình, bám sát quy định của pháp luật và quy trình. Đây là cơ sở để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ hơn nữa sự phân công, phối hợp của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Một số điểm liên quan đến Tổ công tác của Chính phủ, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, để giải quyết công việc có tính chất sự vụ, sự việc, để tham mưu cho Chính phủ, cho Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh hiệu quả liên quan đến phân cấp, phân quyền, chức trách thực hiện, vai trò quản lý nhà nước của các bộ…, cần tính đến hiệu quả, trách nhiệm của việc phân công, phân cấp và phân quyền như thế nào cho hợp lý hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao báo cáo của Chính phủ và đề nghị tiếp thu, bổ sung thêm một số phần Ủy ban Thường vụ đã cho ý kiến để hoàn chỉnh, gửi sớm các đại biểu Quốc hội theo đúng Luật Tổ chức Quốc hội.