Hội nghị nhằm đánh giá những việc đã làm được, hạn chế, khó khăn, bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thúc đẩy triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tạo xung lực mạnh mẽ cho phát triển ĐBSCL
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017. Đây là Nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược với chủ trương phát triển “thuận thiên” để chủ động hóa giải các thách thức do biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mê Kông, tận dụng tiềm năng, thế mạnh, tạo xung lực mạnh mẽ cho phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.
Sau hơn 3 năm triển khai, chủ trương thuận thiên từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia hưởng ứng, đồng thời huy động sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển.
Là một trong số các chuyên gia được mời tham luận tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu thuộc Trường Đại học Cần Thơ cho biết, Nghị quyết 120 có 4 quan điểm chỉ đạo, trong đó quan điểm chỉ đạo thứ 4 là phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long vì lợi ích chung của đất nước và là sự nghiệp của toàn dân, khuyến khích, huy động tất cả các tầng lớp, thành phần xã hội, đối tác quốc tế, doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển.
Theo ông Tuấn, sau 3 năm triển khai, ông nhận thấy hầu hết các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự chủ động trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản phù hợp khi tình hình nguồn nước, khí hậu có nhiều thay đổi. Cụ thể, người dân đã tìm cách giảm bớt canh tác lúa ba vụ cũng như giảm diện tích lúa ở các vùng ven biển để chuyển sang mô hình thích hợp hơn như lúa - tôm, lúa - cá hay lúa - rừng… Nông dân cũng đã biết cách khai thác giá trị nông sản làm ra để tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn, đồng thời chủ động trữ nước ngọt ứng phó với tình trạng khô hạn mà không cần làm những công trình khác. Người dân đào các ao, hồ, nạo vét kênh rạch để trữ nước và sử dụng nước một cách tiết kiệm, hợp lý trong canh tác.
Các tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long đang bắt đầu triển khai những dự án về năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối. Các loại năng lượng tái tạo này hoàn toàn phù hợp trong điều kiện tự nhiên và bối cảnh biến đổi khí hậu, giúp giảm bớt khó khăn cho ngành điện cũng như tạo ra thêm những giá trị cần thiết cho xã hội, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết thêm.
Cũng theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, các dự án phát triển ở Đồng bằng sông Cửu Long đang dần dần nghiêng về hướng phát triển xanh như du lịch sinh thái, công trình xanh, hoạt động xanh, dựa trên nghiên cứu nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường tốt hơn. “Rõ ràng nhận thức của người dân cũng như chính quyền địa phương đã tăng lên nhiều trong ba năm qua”, ông Tuấn nhận xét.
Giải quyết được những vấn đề nội tại
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, tinh thần chính của Nghị quyết 120 là “thuận thiên”, thích ứng thay vì chống lại thiên nhiên bằng mọi giá. Trong 3 năm qua, để triển khai Nghị quyết 120, Chính phủ đã cho soạn thảo Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững Đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch tích hợp Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến hoàn tất trong vài tháng tới.
Quy hoạch tích hợp Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trên tinh thần Nghị quyết 120 mang lại nhiều hy vọng cho vùng đất được mệnh danh là vựa lúa, trái cây, thủy sản của đất nước. Thay vì đổ tiền vào chống chọi với thiên nhiên, mùa lũ gồng mình chống lũ, mùa khô gồng mình chống mặn để duy trì sản lượng lúa gạo, ông Thiện cho rằng, nếu quy hoạch lần này tập trung đầu tư vào đường xá, logistics, chuyển hướng nền nông nghiệp sẽ giải quyết được nhiều vấn đề và không cần cố giải loạt bài toán bất khả thi nêu trên.
Dẫn chứng việc sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện đề xuất nên giảm diện tích trồng lúa, không coi trọng sản lượng mà chú trọng thu nhập của người dân. Người dân trồng lúa vùng ven biển sẽ bị thiệt hại do hạn, mặn nên chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác. Đặc biệt không nên cố ngăn mặn để duy trì sản lượng lúa gạo, có thể số lượng ít nhưng thu nhập sẽ cao hơn như các giống lúa ST của kỹ sư Hồ Quang Cua ở Sóc Trăng bán ra gấp nhiều lần so với giá bình thường nhưng sản lượng lúa này không cao.
Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, dù quy hoạch này chỉ giải quyết được những vấn đề nội tại của đồng bằng, không giải quyết được các tác động từ bên ngoài như thủy điện thượng nguồn nhưng sẽ giúp đồng bằng "khỏe mạnh hơn" để đối phó với tác động từ bên ngoài.
Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ bao gồm nhiều nội dung chính. Trong đó, có việc làm rõ kết quả quy hoạch vùng, hoạt động của Hội đồng điều phối vùng và huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long. Tình hình thực hiện Nghị quyết 120 trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; phát triển hạ tầng giao thông, tình hình thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các trung tâm phát triển kinh tế.
Hội nghị còn có các nội dung quan trọng khác như: Công bố kết quả thực hiện quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, nông thôn, sắp xếp, bố trí lại dân cư, cung cấp nước sạch cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long; sự tham gia hỗ trợ của các đối tác phát triển trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 120...