Ngành Ngoại giao cần bám sát thực tiễn, các trọng tâm ưu tiên của Chính phủ

Ngành ngoại giao cần bám sát thực tiễn, các trọng tâm ưu tiên của Chính phủ và đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII - đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Bộ Ngoại giao, diễn ra ngày 12/7, tại Hà Nội.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao các báo cáo, tham luận trình bày tại Hội nghị; biểu dương những nỗ lực to lớn của toàn thể cán bộ, nhân viên ngành Ngoại giao nhằm khắc phục khó khăn, thách thức để triển khai thành công nhiệm vụ đối ngoại thời gian qua.

Bộ trưởng nhấn mạnh, cục diện thế giới hiện nay đang chịu tác động to lớn bởi diễn biến hết sức phức tạp, khó lường và còn có thể kéo dài của đại dịch COVID-19, dẫn đến nảy sinh nhiều vấn đề, xu thế mới. Do đó, đội ngũ cán bộ đối ngoại cần tiếp tục làm tốt công tác dự báo tình hình, nghiên cứu, tham mưu; ưu tiên xây dựng các chiến lược, đề án quan trọng nhằm triển khai thành công đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn yêu cầu ngành ngoại giao cần bám sát thực tiễn, các trọng tâm ưu tiên của Chính phủ và đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, triển khai đồng bộ, toàn diện cả ngoại giao song phương và đa phương; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác biên giới lãnh thổ, công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cần tăng cường hiệu quả phối hợp giữa ngoại giao Nhà nước với đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại nhân dân; giữa ngoại giao, quốc phòng, an ninh và công tác ngoại vụ địa phương.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị toàn ngành cùng phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã dự hai phiên họp về công tác đối ngoại và công tác xây dựng ngành, nêu nhiều ý kiến sâu sắc, đánh giá những diễn biến mới đáng chú ý trong tình hình thế giới và khu vực cũng như kết quả triển khai công tác đối ngoại, công tác xây dựng ngành nửa đầu năm 2021. Qua đó, xác định những phương hướng lớn cần ưu tiên trong công tác 6 tháng cuối năm 2021.

Các đại biểu thống nhất đánh giá tình hình thế giới thời gian qua có những tiến triển khả quan trong kiểm soát dịch bệnh, phục hồi và từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, gia tăng xu thế hợp tác, đối thoại, chủ nghĩa đa phương, song vẫn tiếp tục có những biến chuyển phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro mà tác nhân nổi bật nhất là đại dịch COVID-19 vẫn có nguy cơ bùng phát mạnh kể cả ở các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao và ở khu vực Đông Nam Á.

Cùng với đó, các đại biểu cũng nhận định, với quyết tâm triển khai thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII và trong điều kiện đại dịch gia tăng, công tác đối ngoại 6 tháng đầu năm 2021 đã được triển khai chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào nỗ lực chung của Chính phủ trong thực hiện “mục tiêu kép”, tiếp tục làm sâu sắc quan hệ với các đối tác và thúc đẩy đối ngoại đa phương, nâng cao thế và lực của đất nước.

Chỉ trong 6 tháng, Bộ Ngoại giao đã góp phần thúc đẩy 35 cuộc điện đàm trực tuyến của Lãnh đạo cấp cao ta với các đối tác, bước đầu tổ chức và tham gia một số hoạt động đối ngoại trực tiếp kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, triển khai “ngoại giao vaccine”, đóng góp tích cực vào thực hiện "mục tiêu kép" cũng như thành tích phòng, chống dịch của đất nước. Tiếp tục đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, ngoại giao đa phương của Việt Nam được chú trọng đẩy mạnh với nhiều hoạt động đa dạng, được bạn bè thế giới đánh giá cao.

Các tham luận tại Hội nghị cũng cho thấy công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chính sách đối ngoại được nâng cao chất lượng. Công tác hội nhập, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển được đẩy mạnh, chú trọng xúc tiến thương mại, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, địa phương, thích ứng với xu thế “chuyển đổi xanh”, “chuyển đổi số” trên thế giới. Bộ Ngoại giao đã đánh giá đúng tình hình, tham mưu và xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ; triển khai hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, đẩy mạnh thông tin trên nền tảng số; tích cực triển khai công tác bảo hộ công dân, người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như  ngoại giao văn hóa. Việc phối hợp giữa Bộ Ngoại giao với các bộ, ngành được chú trọng và triển khai hiệu quả.

Về xây dựng ngành, các đại biểu đánh giá từ đầu năm 2021, lĩnh vực cải cách hành chính, quản lý biên chế - cán bộ, đào tạo, tuyển dụng và bồi dưỡng của Bộ Ngoại giao được thực hiện nghiêm túc, trong đó đã đẩy mạnh các hình thức bồi dưỡng trực tuyến; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh, tận tâm, chuyên nghiệp. Công tác Đảng và đoàn thể tích cực thực hiện việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đến toàn thể cán bộ, nhân viên ở trong nước tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

TTXVN/Báo Tin tức
Thủ tướng: Ngành Ngoại giao cần chủ động, nhạy bén, sáng tạo vì lợi ích quốc gia - dân tộc
Thủ tướng: Ngành Ngoại giao cần chủ động, nhạy bén, sáng tạo vì lợi ích quốc gia - dân tộc

Ngày 19/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Bộ Ngoại giao về việc triển khai đường lối đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN