Các đại biểu tham dự tọa đàm đã tập trung phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế, vướng mắc; trao đổi cơ sở pháp lý, thẩm quyền, nhiệm vụ, phạm vi kiểm tra giám sát của Ban Nội chính; các nội dung cần chọn để kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh đó, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp, cách làm hay để nâng cao hiệu quả công tác thực hiện kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực nội chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng.
Qua nghe các ý kiến tham luận tại tọa đàm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng đánh giá, thời gian qua, Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy trong khu vực đã nắm vững nguyên tắc, quy định để vận dụng, áp dụng vào phạm vi giám sát của ngành Nội chính; làm tốt nhiệm vụ tham mưu cấp ủy; kết quả kiểm tra, giám sát có những điểm tích cực. Đơn cử như Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng qua kiểm tra, giám sát đã tham mưu chỉ đạo xử lý 32 vụ việc, trực tiếp đề nghị cơ quan điều tra khởi tố đối với 12 vụ, trong đó có 6 vụ án tham nhũng.
Đồng chí Võ Văn Dũng chỉ rõ, mặc dù vậy, một số cuộc kiểm tra, giám sát chưa chú trọng vào những lĩnh vực phức tạp, nổi cộm và bức xúc, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Nhiều cuộc kiểm tra, giám sát chỉ dừng lại ở nhận xét, đánh giá, chỉ ra hạn chế về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa nêu rõ sai phạm cụ thể.
Việc phát hiện số vụ việc vi phạm để kiến nghị cấp ủy chỉ đạo Ủy ban kiểm tra tiến hành kiểm tra lĩnh vực vi phạm hoặc chuyển cơ quan điều tra còn ít. Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, giám sát và theo dõi thực hiện kiến nghị sau kiểm tra, giám sát có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ.
Thời gian tới, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng đề nghị, Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy cần kiên trì tham mưu Thường trực Tỉnh ủy về công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường xây dựng và thực hiện hiệu quả các quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính với các ban, ngành khác; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, bản lĩnh, khách quan, có kiến thức nghiệp vụ và am hiểu thực tiễn cuộc sống.
Cụ thể, Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy trong khu vực Đồng bằng sông Hồng cần tiếp tục nghiên cứu nắm vững Nghị quyết Trung ương 5, Nghị định để áp dụng vào công tác kiểm tra, giám sát của Ban Nội chính; tham mưu cấp ủy quán triệt vấn đề này đối với các ngành; thực hiện đồng bộ giữa kiểm tra và giám sát; tăng cường công tác giám sát nắm tình hình để việc thực hiện kiểm tra hiệu quả. Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy phải đặc biệt chú trọng công tác tham mưu, tùy theo thực tiễn để tham mưu với cấp ủy về chương trình kiểm tra, giám sát.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng nhấn mạnh ba nhóm vấn đề Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy cần tập trung kiểm tra, giám sát trong thời gian tới đó là: Tổ chức quán triệt, thực hiện các chủ trương, nghị quyết về nội chính, cải cách tư pháp và phòng chống tham nhũng, về đảm bảo an ninh quốc gia; xử lý các vụ việc, vụ án về tham nhũng, thu hồi tài sản vi phạm; theo dõi nắm tình hình những cán bộ đảng viên đang có dấu hiệu về tham nhũng, tiêu cực, theo dõi việc cất nhắc, đề bạt, xử lý kỷ luật cán bộ…
Đồng chí Võ Văn Dũng cũng lưu ý, Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát theo hướng xem xét vấn đề toàn diện, khách quan, bảo vệ những người dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Trong 5 năm qua, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức 40 đoàn kiểm tra, giám sát đối với 15 cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương và 63 Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy. Qua kiểm tra, Ban chỉ đạo đã kiến nghị 404 nhóm vấn đề về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, chỉ đạo xử lý 452 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.