Chủ đề của Tọa đàm đề cập đến vấn đề quan trọng và cấp thiết mà Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, đã nêu và chỉ rõ những định hướng, nhiệm vụ cơ bản. Trong đó, nhân tố con người, yếu tố đội ngũ luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu của bất cứ lĩnh vực nào, càng quan trọng và cấp thiết hơn đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nêu rõ, với việc tổ chức tọa đàm khoa học này, Hội đồng mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến thẳng thắn, khách quan của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; các nhà lãnh đạo, quản lý về thực trạng đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay. Qua đó, thấy rõ những ưu điểm, kết quả; những hạn chế, yếu kém, bất cập và điều quan trọng hơn là đề xuất các định hướng và giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật vững mạnh toàn diện trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thế Kỷ cho hay, những ý kiến và nhận định đúng đắn, khách quan, trách nhiệm về vấn đề quan trọng này có giá trị và ý nghĩa sâu sắc trong việc cung cấp luận cứ khoa học tư vấn, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, từ đó xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật nói chung, trong đó có công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng trong những năm tới.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tham luận, trao đổi làm rõ thực trạng công tác xây dựng và phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật theo nội dung, yêu cầu của Nghị quyết số 23-NQ/TW trên các phương diện như sự phân bố đội ngũ lý luận, phê bình ở các loại hình văn học, nghệ thuật; năng lực, bản lĩnh, chất lượng, hiệu quả của các cây bút lý luận, phê bình đang hoạt động ở các học viện, nhà trường, các tổ chức, hội văn học-nghệ thuật, báo đài, tạp chí...
Hầu hết ý kiến có chung nhận định, đội ngũ phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay có nhiều bất cập. Lực lượng phân bố không đồng đều giữa các loại hình nghệ thuật. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt đội ngũ kế cận rất đáng báo động. Trong khi các cây bút lớn tuổi gần như không còn viết phê bình, lui về làm nghiên cứu, thì các cây bút trẻ không đủ lực lượng, bản lĩnh để lấp đầy khoảng trống do thế hệ trước để lại.
Trên cơ sở đó, các đại biểu tập trung làm rõ và đầy đủ hơn các vấn đề: Làm sao để xây dựng, phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật một cách toàn diện, khoa học cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu loại hình, có tài năng, bản lĩnh, trách nhiệm với công việc; việc tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Các đại biểu thống nhất cho rằng, để đổi mới thực chất và mạnh mẽ công tác phê bình văn học, nghệ thuật nói chung, đội ngũ lý luận, phê bình nói riêng rất cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, trong đó đặc biệt coi trọng nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên đối với vai trò, vị trí của văn học, nghệ thuật và phê bình văn học, nghệ thuật. Trong quá trình thể chế hóa 7 giải pháp của Nghị quyết số 23-NQ/TW cần bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật.
Các đại biểu cũng đề nghị đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; tập trung xây dựng, nâng cấp các khoa, bộ môn lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, tách khỏi các khoa dạy nghiên cứu, sáng tác hiện nay ở các trường đại học; có cơ chế chính sách để thu hút, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên hữu cơ.
Một số ý kiến tại Tọa đàm nhấn mạnh việc tăng cường giáo dục, rèn luyện văn hóa phê bình, đạo đức nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm của các nhà phê bình văn học, nghệ thuật, khắc phục mọi biểu hiện phi văn hóa trong hoạt động phê bình...