Đảm bảo an toàn cho các khu vực trên biển và đất liền
Công an xã Hải Thịnh huy động khoảng 30 cán bộ, phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ người dân vận chuyển tài sản đến nơi an toàn. Ảnh: Thái Thuần/TTXVN
Đối với các hoạt động ứng phó với bão số 3, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai thông tin hiện bộ tàu thuyền hoạt động tại khu vực vịnh Bắc Bộ đã vào nơi tránh trú an toàn; 7 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã thực hiện cấm biển.
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hiện có: 29.259 lồng bè; 3.906 chòi canh nuôi trồng thủy sản; 149.870 ha nuôi thủy sản (25.389 ha nuôi tôm nước lợ, 22.772 ha nuôi nhuyễn thể, 101.709 ha nuôi thủy sản nước ngọt) có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão và mưa lũ.
4 tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã di dời toàn bộ người trên các chòi canh, lồng bè đến nơi an toàn; tỉnh Quảng Ninh đã di dời 7.590 người lên bờ; thành phố Hải Phòng đã di dời toàn bộ người tại các chòi canh, lồng bè trên biển đến nơi an toàn, còn 1.354 người trên các chòi canh, lồng bè trên sông.
Hiện còn 326 khách du lịch ở lại trên các đảo (Quảng Ninh: 47 người, Hải Phòng: 279 người); các địa phương có phương án tổ chức kiểm soát việc đi lại của du khách trong thời gian ở trên đảo.
Các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình đã tổ chức di dời 975 hộ/6.194 người tại các khu chung cư, nhà cũ xuống cấp, nguy hiểm đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ; tỉnh Thanh Hóa đã di dời 98 hộ/449 người ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.
Hồ thủy điện Cửa Đạt, mực nước sáng 22/7 ở cao trình +94,91m ứng với dung tích chứa 658 triệu m3 (thấp hơn 15,09m so với mực nước dâng bình thường +110m ứng với dung tích 1062,8 triệu m3, còn tích được 399 triệu m3). Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN
Đối với hồ chứa thủy lợi hiện có 91 hồ đang sửa chữa, nâng cấp (Tuyên Quang 16, Điện Biên 3, Lào Cai 4, Thái Nguyên 11, Lạng Sơn 3, Phú Thọ 6, Bắc Ninh 2, Ninh Bình 2, Thanh Hóa 33, Nghệ An 7, Hà Tĩnh 4) và 5 hồ xây dựng mới (Cao Bằng 3, Lai Châu 1, Tuyên Quang 1)..
Cùng với đó, trên các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 44 vị trí trọng điểm đê điều xung yếu (Quảng Ninh 2, Hải Phòng 8, Hưng Yên 9, Ninh Bình 11, Thanh Hóa 1, Hà Tĩnh 15) và 7 công trình đang thi công (Hải Phòng 2, Hưng Yên 1, Ninh Bình 3,Thanh Hóa 1). Trong đó, cần lưu ý một số công trình đang thi công tại các đoạn đê trực diện biển như: xây dựng, tu sửa 4 kè mỏ hàn chữ T tại K13+500 đê biển I Hải Phòng (mỏ số 2 đang lắp đặt cấu kiện bảo vệ phía ngoài); nâng cấp đê biển số 5 tỉnh Hưng Yên từ K16+379,4-K16+479,4 (đang hoàn thiện lát mái đê phía biển); xây dựng hệ thống kè mỏ hàn và kè bảo vệ đê biển Cồn Tròn, Hải Thịnh, Thịnh Long tỉnh Ninh Bình (đang lắp đặt cấu kiện bảo vệ mỏ hàn).
Các địa phương đã tổ chức gia cố những vị trí xung yếu có nguy cơ bị hư hỏng do bão số 3 (K16 đê biển 5, Hưng Yên; Kè đê biển I, Hải Phòng).
Chủ động chỉ đạo ứng phó bão
Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An hỗ trợ ngư dân chằng cột tàu thuyền tại nơi tránh trú bão. Ảnh: TTXVN phát
Trong ngày 21/7, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động các biện pháp chỉ đạo ứng phó bão số 3
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành văn bản số 4622/BNNMT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi khẩn trương kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động tại khu vực vịnh Bắc Bộ vào nơi tránh trú an toàn.
Các Bộ: Công an, Công Thương, Xây dựng tiếp tục ban hành công điện về việc tập trung ứng phó với bão số 3 và mưa lũ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão tại các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo ứng phó với bão và mưa lũ tại tỉnh Ninh Bình; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ đã thành lập đoàn công tác để phối hợp với các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Thanh Hóa chỉ đạo ứng phó với bão và mưa lũ.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã hoãn các cuộc họp và phân công 4 đoàn công tác của các đơn vị thuộc Bộ (Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Cục Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật, Cục Thủy sản và Kiểm ngư, Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp xã tại các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ để triển khai ứng phó với bão và mưa lũ sau bão thực tế trong vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.
Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định tạm ngừng hoạt động bay tại các cảng hàng không Vân Đồn và Cát Bi trong ngày 21 và 22/7.
Tàu cá trong Khu neo đậu tránh trú bão của đặc khu Phú Quý. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN
Các địa phương đã thành lập 47 đoàn công tác, phân công lãnh đạo cấp ủy, UBND cấp tỉnh trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo tại hiện trường; tổ chức kêu gọi, hướng dẫn cho tất cả các tàu thuyền di chuyển vào nơi tránh trú an toàn và yêu cầu các chủ lồng bè, chòi canh thực hiện việc di dời vào nơi an toàn.
Các tỉnh, thành phố đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong thời gian bão đổ bộ vào đất liền...
5 người bị thương và nhiều thiệt hại do thiên tai
Cầu treo Pa Thơm (Điện Biên) bị lật nghiêng. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ ngày 20/7 đến 12 giờ ngày 22/7, mưa dông kèm lốc xoáy đã làm 5 người bị thương (Lâm Đồng 1, Điện Biên 4); 12 nhà bị sập (An Giang 11, Đồng Tháp 1), 143 nhà bị tốc mái (Lâm Đồng 30, An Giang 88, Đồng Tháp 25); 12 cột điện bị gãy đổ (Lâm Đồng 11, Đồng Tháp 01), 1 tàu bị chìm tại An Giang.
Riêng tại tỉnh Điện Biên có 1 cầu treo (Pa Thơm) bị đứt cáp, nghiêng đổ. 1 xe máy, 1 ô tô bị rơi xuống suối (xe máy đã đươc đưa lên bờ, hiện tại ô tô vẫn ở dưới suối). Ước thiệt hại ban đầu khoảng 1, 2 tỷ đồng
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, địa phương đã tổ chức chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Thực hiện nghiêm công điện Thủ tướng Chính phủ trong ứng phó bão
Lực lượng chức năng phường Yên Bái (Lào Cai) cắm biển cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở. Ảnh: TTXVN phát
Đêt tiếp tục ứng phó với bão số 3 và hoàn lưu bão, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu cứu nạn và Phòng thủ dân sự các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 117/CĐ-TTg ngày 20/7 của Thủ tướng Chính phủ trong đó tập trung vào việc tiếp tục đảm bảo an toàn tàu thuyền trên biển, an toàn khu vực ven biển và đất liền, an toàn đê điều, hồ chứa thủy lợi, sản xuất nông nghiệp...
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu cứu nạn và Phòng thủ dân sự các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong ứng phó với bão...