Muốn xây dựng đất nước bền vững phải lấy giáo dục làm đầu

Sáng 5/8, Bộ GD- ĐT tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2015 - 2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016- 2017 theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu ở 63 tỉnh/thành phố trên cả nước.Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì hội nghị này.

Phát triển toàn diện văn - thể - mỹ

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thời gian qua, ngành Giáo dục và đào tạo đã triển khai đồng bộ, toàn diện Nghị quyết 29, bước đầu đổi mới dạy học theo hướng mở, chú ý hơn đến phát triển toàn diện năng lực, tư duy sáng tạo và rèn luyện phẩm chất cho học sinh. Kỳ thi THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng đã khắc phục được những bất cập của các năm trước; tạo thuận lợi và giảm áp lực cho thí sinh và gia đình. Cơ sở vật chất trường, lớp học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm hơn. Công nghệ thông tin được ứng dụng nhiều hơn trong dạy, học và quản lý giáo dục. Tất cả góp phần từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.


Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực đặc biệt quan trọng này, Thủ tướng cho rằng, đối với giáo dục phổ thông còn chưa coi trọng đúng mức đến giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, vẫn còn nhiều vụ bạo lực học đường gây bức xúc xã hội; còn nhiều tội phạm vị thành niên...


“Phải làm sao để các em biết kính trên nhường dưới; sống trong tập thể và có trách nhiệm; yêu nước, yêu lịch sử, truyền thống dân tộc”, Thủ tướng đề nghị.
Trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh của học sinh phổ thông là rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu. Đặc biệt, học sinh còn thiếu kỹ năng sống dẫn đến nhiều trẻ đuối nước hoặc bị tai nạn thương tích. Khắc phục quá tải đối với học sinh phổ thông còn rất chậm. Nhiều nội dung học không có giá trị thực tiễn cho cuộc sống sau này của đa số học sinh, trong khi đó kiến thức toàn diện về văn, thể, mỹ còn rất thiếu…


Giao nhiệm vụ cho ngành Giáo dục và đào tạo, Thủ tướng nhấn mạnh, giáo dục phổ thông là nền tảng của giáo dục nói chung, hình thành nhân cách người công dân Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Vì vậy, cần đảm bảo chương trình vừa hình thành nhân cách, văn hóa của một công dân trẻ, vừa bảo đảm tính hiện đại, hội nhập; phải giảm tải nhanh cho các cháu, không quá nặng về khối lượng, không quá thiên về kiến thức chuyên môn mà cần phát triển một cách toàn diện văn - thể - mỹ.


Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc truyền thụ cho học sinh cái đẹp của quê hương, đất nước, về mỹ thuật, nghệ thuật. Chú trọng dạy ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh đảm bảo các kỹ năng cơ bản nghe, nói, đọc, viết và giao tiếp; tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, nhất là đối với trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.


Yêu cầu đảm bảo chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động, Thủ tướng chỉ đạo ngành Giáo dục và đào tạo gắn kết mạnh mẽ hơn nữa chương trình đào tạo đại học, kết quả nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên với thực tiễn cuộc sống và nhu cầu xã hội. Khuyến khích việc liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp; không để xảy ra tình trạng “ngứa trên đầu mà gãi dưới chân”, Thủ tướng nói.


Chỉ rõ, tự chủ không phải là là quên trách nhiệm với xã hội, Thủ tướng yêu cầu cùng lúc với đẩy mạnh tự chủ đại học cần xác định một cách rõ ràng “trách nhiệm xã hội” của Trường đại học. Không để lãng phí nguồn lực xã hội trong đào tạo đại học.


Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị, năm học 2016 - 2017, toàn ngành giáo dục đào tạo cần tập trung vào việc triển khai sâu rộng các nhiệm vụ của ngành; Rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, không phù hợp để hoàn chỉnh; Xây dựng các đề án, chương trình nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phát triển đội ngũ của toàn hệ thống; Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; Tăng cường hội nhập quốc tế.


Thủ tướng mong muốn ngành giáo, dục đào tạo cần đặc biệt chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài để trước tiên ngành có nhiều thầy giỏi, nhiều trò giỏi. “Muốn xây dựng đất nước bền vững phải lấy giáo dục làm đầu, phải lấy nhân tài làm gốc và mong muốn tất cả chúng ta cùng nhau hành động vì mục tiêu cao đẹp đó", Thủ tướng nhấn mạnh.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Lê Vân.

Tập trung vào 9 nhiệm vụ trọng tâm

Theo đại diện Bộ GD - ĐT, năm học vừa qua, ngành đã điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng giảm tải. Đổi mới mô hình dạy học theo hướng mở, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp dạy và học, chú ý tới hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh nhằm chuyển mạnh từ quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học, rèn luyện kỹ năng sống, học đi đôi với hành... Đặc biệt, Bộ đã rút kinh nghiệm, điều chỉnh kỳ thi quốc gia...


Tuy nhiên, công tác quy hoạch lại hệ thống giáo dục quốc dân còn chậm, hệ thống chưa mạch lạc, dẫn đến công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT chưa tốt. Bên cạnh đó là do sức hấp dẫn của các chương trình đào tạo nghề còn yếu, chưa gắn với với năng lực hành nghề. Chất lượng dạy và học ngoại ngữ còn nhiều hạn chế do sự quan tâm đầu tư chưa tương xứng; đa số giáo viên tiếng Anh chưa đạt chuẩn mặc dù có bằng cấp theo trình độ đào tạo. Tự chủ đại học còn nhiều hạn chế do cơ chế, chính sách chưa đồng bộ. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước. Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm còn nhiều do chương trình đào tạo chậm được đổi mới, còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn. Đáng chú ý, công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu, do công tác này chưa được lồng ghép, tích hợp vào bài giảng; phương thức tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp còn hình thức, áp đặt, chưa tạo được sự tham gia của số đông học sinh…


Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ đề xuất, ngành GD- ĐT cần nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giảng dạy, quản lý, có thể tập trung ở một số bộ môn trước khi nhân rộng; Quan tâm thiết kế chỉ đạo địa phương chủ động thiết kế nhiều sân chơi thi đấu tài năng, năng khiếu cho học sinh, sinh viên...; Tiếp tục nghiên cứu giao quyền chủ động cho các tỉnh thành tổ chức thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp theo hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ; Tiếp tục nghiên cứu tham mưu Chính phủ về phân cấp mạnh hơn nữa trong quản lý, thực hiện tự chủ cho địa phương cũng như cho cơ sở giáo dục; Có chế độ chính thức thu hút nguồn nhân lực...


 “Ngành sớm bố trí kinh phí đầu tư để nâng cấp các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường sư phạm. Xây dựng các trường thực hành sư phạm theo lộ trình của Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt”, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đề xuất.

 

"Cần có cơ chế chính sách về lãi suất, thời hạn vay để các trường ĐH tự chủ đầu tư mua sắm trang thiết bị; có chính sách hỗ trợ các trường tiếp cận các nguồn vốn trong quá trình phát triển. Tiếp tục đầu tư về ngân sách dưới dạng các dự án; cơ chế tự chủ có thể được chính thức hóa. Bộ cần sớm có văn bản hướng dẫn các trường ĐH thực hiện hướng dẫn tự chủ; hướng dẫn cụ thể nội dung và cách thức thực hiện việc mở rộng quyền tự chủ; sớm hoàn thành công bố rộng rãi xếp hạng các trường ĐH…”, GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân, nhấn mạnh.


Nhìn chung, các ý kiến tại Hội nghị đều thống nhất 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản mà năm học mới cần tập trung. Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Nếu thực hiện tốt 9 nhiệm vụ đó sẽ tạo ra bước chuyển lớn cho toàn ngành và xã hội. Trong đó, cần chú trọng việc nâng cao chất lượng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Cùng với đó, ưu tiên giải pháp thể chế, làm tốt công tác rà soát văn bản, đổi mới cơ chế từ mầm non đến đại học một cách căn cơ và theo cách tiếp cận là chất lượng.



"Tới đây ngành Giáo dục sẽ cụ thể hóa những nhiệm vụ và chỉ đạo của Thủ tướng thành những đề án, dự án, có sự phối hợp cụ thể giữa các bộ, ban, ngành, đặc biệt là các địa phương để cùng tổ chức, thực hiện”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Lê Vân -TTN
Đổi mới giáo dục phổ thông theo lộ trình
Đổi mới giáo dục phổ thông theo lộ trình

Để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì chương trình giáo dục phổ thông tổng thể phải được đổi mới. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình đổi mới phải được chuẩn bị, tiến hành từng bước và phải có chiến lược lâu dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN