Mưa lũ gây thiệt hại lớn tại miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long

Theo tin của phóng viên TTXVN thường trú tại địa phương và Báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến chiều 18/10, đợt mưa lũ tại khu vực Trung Trung bộ đã làm 7 người thiệt mạng (Quảng Bình 3, Quảng Trị 3, Thừa Thiên - Huế 1), tăng 5 người; 14 người bị thương (Quảng Bình 8, Quảng Trị 1, Thừa Thiên - Huế 2, Quảng Nam 3) tăng 10 người; 4 người mất tích (Quảng Bình 1, Quảng Trị 2, Quảng Nam 1). Mưa lũ còn làm ngập 92.154 căn nhà, 2.170 ha lúa bị ngập, diện tích hoa màu bị ngập, hư hại là 3.556 ha. Các địa phương đã tổ chức di dời 6.517 hộ để đảm bảo an toàn cho tính mạng của người dân.

Phương tiện đặc biệt đưa người và xe qua một đoạn ngập sâu trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam). Ảnh: Trần Tĩnh – TTXVN


*Tại Quảng Nam, do mưa lớn kéo dài trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh, cộng với thủy điện A Vương xả lũ đã làm hai người chết và một số địa phương bị cô lập. Đường sá, cầu cống bị sạt lở, cuốn trôi, tổng thiệt hại ban đầu đã lên đến con số hàng chục tỷ đồng.

Tại huyện Nông Sơn, mưa lũ đã làm tuyến đường tỉnh (ĐT) 610 đoạn qua xã Phước Ninh tại cầu Khe Rinh ngập sâu 1,5m và hư hỏng một số đoạn giao thông nông thôn, tuyến đường ĐT610 đoạn qua xã Quế Ninh tại cầu Vườn Dừa ngập sâu 1m. Thiệt hại chủ yếu ở 2 xã Sơn Viên và Quế Lộc. Tuyến đường ĐT611 đoạn từ Quế Lộc đi Quế Trung ngập sâu 1-2m, giao thông chia cắt hoàn toàn không qua lại được. Nhiều tuyến đường bị sạt lở, ruộng bị vùi lấp. Tổng giá trị thiệt hại ban đầu ước khoảng 500 triệu đồng.

6 cây cầu gỗ bị lũ cuốn trôi, hơn 4 ha rau màu bị ngập lụt, hàng ngàn gia cầm bị lũ cuốn; hơn 2.000 m3 kênh mương thủy lợi bị sạt lở. Ông Trần Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây cho biết, lũ dâng khá nhanh chỉ sau chưa đầy 2 giờ đồng hồ khiến nhân dân không kịp di chuyển tài sản. Do kịp thời di tản người dân nên trên địa bàn xã đến nay không có thiệt hại về người. Trước mắt, xã sẽ trích ngân sách cứu trợ cho một số hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị ngập lụt nặng và tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

*Ban Chỉ huy PCLB-TKCN Quảng Trị cho biết, đến sáng nay, lũ trên các sông tại Quảng Trị đã xuống mức báo động 2, một số nơi đã xuống dưới mức báo động 1 như tại Hải Sơn, Đakrông, Gia Voòng, Hiền Lương. Tuy nhiên, tại 68 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố của Quảng Trị còn gần 27.000 ngôi nhà bị ngập dưới 3m nước. Mưa lũ đã gây thiệt hại gần 2.000 ha hoa màu, hơn 3.200 tấn lương thực bị hư hỏng, 70 tấn lúa giống và hạt giống bị hư hỏng. Mưa lũ cũng làm vỡ nhiều tuyến kênh thủy lợi Nam Thạch Hãn và hệ thống thủy lợi của Ái Tử, Cam Lộ, Hà Thượng, Kinh Môn, La Ngà. Đến sáng 18/10, có 5 chuyến tàu với gần 2.000 hành khách bị kẹt tại các ga ở Quảng Trị đã tiếp tục hành trình. Các điểm đường sắt bị ngập nước, sạt lở do mưa lụt đã được khắc phục.

*Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Ngãi, đến 9 giờ ngày 18/10, tại các huyện Mộ Đức, Đức Phổ và Nghĩa Hành có hơn 4.400 ngôi nhà bị ngập nước; diện tích hoa màu bị thiệt hại hơn 400 ha, lương thực bị ướt 440 tấn, kênh mương bị thiệt hại 290 m, cuốn trôi hàng nghìn mét khối đất đá, 1 cầu kiên cố và 1 cầu tạm tại huyện Nghĩa Hành bị cuốn trôi; hơn 7.000 giếng nước bị ngập chìm trong nước.

*Tại đồng bằng sông Cửu Long, lũ đã làm 48 người chết, tăng 2 người; trên 80.000 căn nhà bị ngập nước; 21.451 ha lúa bị ngập úng; 1.455,7 km đê bao, bờ bao bị sạt lở; là 1.294 km đường giao thông nông thôn bị ngập.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn Đồng Tháp, đến ngày 18/10, mực nước lũ tại tỉnh Đồng Tháp ở khu vực các huyện, thị xã phía Bắc xuống từ 2-4 cm/ngày; vùng Đồng Tháp Mười xuống 1-2 cm/ngày; khu vực các huyện, thị xã, thành phố phía Nam xuống theo triều. Theo nhận định của các nhà chuyên môn từ nay đến cuối tháng 10, vùng hạ lưu sẽ xuất hiện đợt triều cường mới với đỉnh triều ở mức rất cao, có khả năng vượt mức báo động 3. Do vậy, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long vẫn còn duy trì trên báo động 3 đến đầu tháng 11, tình trạng ngập sâu sẽ còn kéo dài.

Trong ngày 18/10 đã xảy ra sạt lở bờ sông vào lúc 1 giờ ngày 18/10, tại đoạn Mương Thầy Cai, ấp Tân Phú A, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình với chiều dài 45 m, ăn sâu vào 20 m. Địa phương đã di dời khẩn cấp 2 hộ. Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 21.457 căn nhà bị ngập nước, 64 căn nhà bị cuốn trôi. Các địa phương đã di dời 2.375 hộ và 9.834 hộ phải kê kích nhà. Đồng Tháp đã có 18 người chết, trong đó sét đánh chết 2 người, 16 người bị chết đuối.

Chính quyền địa phương, các đoàn thể và tổ chức cá nhân đã cứu trợ được 8.711 hộ với nguồn kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng. Các huyện, thị xã và thành phố đang tiếp tục huy động lực lượng tuần tra canh gác, gia cố bờ bao, bơm tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, vận động và hỗ trợ các hộ vùng sâu, vùng sạt lở di dời đến nơi an toàn, điều tra đánh giá thiệt hại và tổ chức cứu trợ các hộ gặp khó khăn.

TTN
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN