Nhiều đảng viên, cử tri trên cả nước cho biết, sẽ dành thời gian theo dõi diễn biến của phiên chất vấn và kỳ vọng, các vị bộ trưởng, trưởng ngành sẽ giải đáp đầy đủ câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, những vấn đề còn tồn đọng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo tầng lớp nhân dân.
Giải pháp xử lý sai phạm liên quan đến hoạt động dân sinh
Kỳ họp thứ 6, lần đầu tiên Quốc hội đưa ra thảo luận về Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội. Chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp của Quốc hội, vì vậy, nhiều ý kiến cử tri cho rằng, những câu trả lời và kết quả của phiên chất vấn sẽ giúp việc thảo luận về Báo cáo này được sâu hơn, đi sát vào thực tiễn hơn.
Đảng viên Nguyễn Văn Duy (78 tuổi, Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội), cho biết, cử tri và nhân dân mong muốn và kỳ vọng các thành viên Chính phủ sẽ trả lời thẳng thắn kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và phương hướng, giải pháp trong thời gian tới. Cử tri cũng rất mong chờ việc tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả như những cam kết, lời hứa được các thành viên Chính phủ đưa ra trước Quốc hội. Ông Duy kỳ vọng, phần trả lời của các "Tư lệnh" ngành, các thành viên Chính phủ sẽ không chỉ thể hiện trách nhiệm của cá nhân "Tư lệnh" ngành, thành viên Chính phủ đó, mà phải thể hiện rõ ý chí chiến lược, kế hoạch phát triển, cũng như tính xuyên suốt trong công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo của ngành, lĩnh vực đó.
Theo ông Nguyễn Văn Duy, thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” diễn ra ở nhiều địa phương. Quyết tâm của Chính phủ, cũng như các thành viên của Chính phủ được thể hiện rõ ràng, nhưng khi triển khai thực hiện vẫn còn những vi phạm. Vì thế, ông Duy hy vọng, tại phiên chất vấn, các vị Bộ trưởng sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể xử lý những sai phạm đã thành hệ thống, tồn tại quá lâu chưa được giải quyết.
Nhiều cử tri, đảng viên cho rằng, bên cạnh việc giải quyết các vấn đề lớn như phát triển kinh tế, khoa học, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công… các trưởng ngành cũng nên dành thời gian cho những vấn đề cụ thể, bất cập liên quan đến hoạt động dân sinh như: ô nhiễm môi trường, quy hoạch, quản lý đất, xây dựng cơ bản…
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương), phiên chất vấn nhằm đánh giá việc thực hiện lời hứa của Thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành từ đầu nhiệm kỳ đến nay, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh là, phải coi trọng giám sát những vấn đề sau giám sát.
Bên cạnh áp lực rất lớn, phiên chất vấn cũng là cơ hội để Thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành nêu bật những thành tựu, nhìn nhận lại những hạn chế, tồn tại của ngành, lĩnh vực mình; giải trình thỏa đáng những việc chưa hoàn thành theo yêu cầu của Quốc hội.
Sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn kỳ vọng, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết, đánh giá rõ những thành tựu đã đạt được, những vấn đề cần tiếp tục giải quyết để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát, theo đến cùng những vấn đề Quốc hội đã đặt ra. Với cách làm này, cử tri và nhân dân cũng dễ dàng theo dõi việc thực hiện cam kết của các thành viên Chính phủ; tạo cơ sở để đánh giá năng lực, hiệu quả tổ chức thực hiện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các tư lệnh ngành…
Mỗi câu trả lời là một “thông điệp”
Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ khóa XV nên Quốc hội sẽ chất vấn Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Theo Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sáu - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng), việc Quốc hội thực hiện chất vấn lần này tiếp tục thể hiện sự quyết tâm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng những việc làm, lời hứa của Chính phủ và các "Tư lệnh" ngành trên các mặt, lĩnh vực của đời sống xã hội.
Có thể thấy, đây là cách tổ chức rất khoa học, hiệu quả và thực chất của Quốc hội để chỉ ra những nội dung đã làm được, những điểm chưa làm được; đồng thời đưa ra bài học kinh nghiệm và những các giải pháp tốt nhất để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ giúp nghị quyết của Quốc hội khi ban hành phải phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trên thực tiễn, nhất là tạo nên những đột phá.
Đại tá Nguyễn Văn Sáu cho rằng, thời gian qua có nhiều vấn đề ảnh hưởng lớn đến đời sống và quyền lợi của nhân dân. Trong các phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội sẽ có nhiều câu hỏi ngắn gọn, sâu sắc, đúng, trúng các vấn đề mà thực tiễn của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là từ cơ sở để trao đổi, chất vấn Chính phủ và các thành viên của Chính phủ. Đại tá Nguyễn Văn Sáu kỳ vọng, các vị bộ trưởng, các “Tư lệnh” ngành sẽ trả lời thẳng thắn, đúng và trúng các vấn đề, mỗi câu trả lời như “thông điệp” đến cử tri, đồng bào nhân dân đang đón đợi.
Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của những người đứng đầu trong các lĩnh vực có liên quan; đồng thời gợi mở giải pháp để tháo gỡ các bất cập đang tồn tại, góp phần bảo đảm an sinh, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cho rằng, thời gian chất vấn và trả lời chất vấn trong những kỳ họp gần đây được diễn ra rất khoa học, ngắn gọn và phù họp, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự mong muốn những thành viên lần đầu đăng đàn sẽ nắm bắt kịp thời tinh thần của phiên chất vấn, từ đó trả lời đầy đủ, ngắn gọn và thỏa đáng câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, giải đáp thắc mắc của cử tri và nhân dân cả nước.