Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Bá Tuấn (Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an) để làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và vai trò của lực lượng mới thành lập này.
Ông có thể cho biết vai trò của lực lượng An ninh trên không trong việc xử lý từ sớm, từ xa các thách thức an ninh trên không?
An ninh trên không là một trong những lực lượng thực hiện đảm bảo an ninh quốc gia. Trong đó tập trung vào công tác phòng, chống khủng bố, ngăn chặn từ sớm, từ xa các hành vi can thiệp bất hợp pháp, xử lý những tình huống đột xuất, bất ngờ trên tàu bay đang bay. Đây là chức năng chính của lực lượng An ninh trên không.
So với các lực lượng khác, lực lượng An ninh trên không có những điểm gì khác biệt, thưa ông?
Lực lượng An ninh trên không có chức năng rất đặc biệt, xử lý các tình huống bất ngờ, gây nguy hại nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng không, đối với tàu bay đang bay. Với chức năng của mình, lực lượng thực hiện các biện pháp để xử lý ngăn chặn từ sớm, từ xa. Đặc biệt là xử lý các tình huống xảy ra bất ngờ trong chuyến bay. Đây là sự khác biệt rất lớn với các lực lượng khác trong lực lượng Công an nhân dân.
Ông có thể cho biết vì sao thời điểm này, Bộ Công an thành lập lực lượng An ninh trên không?
Thực hiện theo quyết định tại Nghị định số 92/2015/NĐ-CP năm 2015 của Chính phủ, Bộ Công an đã thành lập lực lượng An ninh trên không. Đây là lực lượng rất mới và nhiệm vụ cũng mới, do vậy Bộ Công an phải có quá trình huấn luyện, đào tạo, xây dựng lực lượng này. Cũng rất phù hợp với thời điểm chúng ta có những đường bay thẳng đến các nước có yêu cầu phải xuất hiện lực lượng An ninh trên không.
Trên thế giới, rất nhiều nước đã có lực lượng An ninh trên không. Đặc biệt, những nước có nguy cơ cao đã triển khai lực lượng này từ lâu. Họ có những yêu cầu, khi chúng ta mở đường bay thẳng đến nước họ phải có lực lượng này trên máy bay của Việt Nam thì mới ký kết các hợp đồng để khai thác đường bay thẳng.
Xin ông cho biết phương châm giải quyết khi xảy ra các mâu thuẫn, các vấn đề trên máy bay như thế nào?
Phương châm đầu tiên là phải đảm bảo an ninh, an toàn của chuyến bay, đảm bảo chuyến bay hạ, cất cánh an toàn nhất. Sau đó là những tình huống sẽ đảm bảo xử lý đúng quy định của pháp luật. Chúng tôi xác định đây là một lực lượng đặc nhiệm của lực lượng Công an nhân dân, thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt. Có thể nói, nhiệm vụ trên máy bay đang bay là rất đặc biệt, liên quan đến sức khỏe, tính mạng của hành khách và an ninh an toàn của quốc gia, cũng như các yếu tố về chính trị, đối ngoại. Nên việc xử lý trên máy bay mang tính quốc tế, an ninh quốc gia rất lớn.
Ông có thể chia sẻ một số khó khăn khi xây dựng lực lượng An ninh trên không?
Khó khăn đầu tiên là về việc hợp tác với các hãng hàng không và bố trí lực lượng trên máy bay, phải có sự đồng thuận với các nước cũng như trong quá trình đi lại, ăn ở như một đơn vị tổ bay chuyên nghiệp. Đây là một trong những khó khăn mà chúng tôi sẽ phải giải quyết.
Công việc tuyển chọn các cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng này có đặc thù như thế nào, thưa ông?
Một tiêu chuẩn mang tính bắt buộc là qua đợt huấn luyện, học tập tại các trường Công an nhân dân với trình độ Đại học trở lên. Về ngoại ngữ phải thông thạo ít nhất một thứ tiếng để đảm bảo quá trình giao tiếp trên máy bay, cũng như tại điểm đến. Ngoài ra, những yêu cầu về thể lực, kỹ thuật kỹ năng phải đảm bảo rất cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Xin ông cho biết, lực lượng An ninh trên không sẽ phối hợp như thế nào với các cơ quan chức năng khác?
Khi triển khai lực lượng này, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình xây dựng lực lượng. Chúng tôi sẽ có quy chế phối hợp cụ thể, rõ ràng với Bộ Giao thông vận tải; đồng thời đề ra phương hướng trong thời gian tới để phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.
Một trong những định hướng của lực lượng đó là xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Ông có thể nói về những phương hướng cụ thể để xây dựng lực lượng theo tiêu chí này?
Đây là một trong những lực lượng của Công an nhân dân. Hiện tại đã có đề án xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại giai đoạn từ nay đến năm 2025 và đến năm 2030. Lực lượng An ninh trên không cũng nằm trong quá trình xây dựng lực lượng như vậy và cũng đã có những định hướng trong thời gian tới để phát triển lực lượng.
Chúng tôi đã triển khai công tác tuyển chọn, huấn luyện từ cách đây khoảng 2 năm và thời điểm này cán bộ chiến sĩ đã đảm bảo sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Tuy nhiên, để đảm bảo về kỹ thuật, kỹ năng ở tàu đang bay, chúng tôi vẫn cần thêm thời gian để trau dồi, huấn luyện lực lượng thực sự tinh nhuệ, hiện đại.
Đây là lực lượng mới để đảm nhận nhiệm vụ cũng rất mới, để có kinh nghiệm theo kịp sự phát triển trên thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã có những định hướng để hợp tác với các đơn vị trong nước và ngoài nước để phát triển lực lượng về cả thể lực, trí lực, kỹ năng, chiến thuật...
Xin trân trọng cảm ơn Đại tá!