Năm 1968, lúc đó ông Phạm Thanh Phong là Chánh văn phòng Huyện ủy huyện Bến Thủ (tỉnh Long An), nhận được điện của Văn phòng Tỉnh ủy Long An, yêu cầu cử người lên đón một ông khách đặc biệt. Khoảng 4 giờ ngày 29/1/1968, vị khách mặc áo sơ mi trắng được đón đến và cùng ông Ba Phong đi đến chỗ Bí thư Huyện ủy Bến Thủ Nguyễn Minh Trung (hay gọi Năm Trung). Khi vừa đến nơi, vị khách tự giới thiệu tên Sáu Dân, ở Trung ương Cục.
Ông Sáu Dân báo cho mọi người biết, Tổng khởi nghĩa để giành chính quyền đã điểm. Bộ Chính trị và Trung ương Cục quyết định tiến hành Tổng khởi nghĩa vào Tết Mậu Thân này (tức 2 ngày sau bắt đầu tiến công).
Lúc này, ông Ba Phong được giao viết thư mời, triệu tập các đồng chí ở các đơn vị. Do vì quá xúc động trong thời khắc giành chính quyền sắp đến, ông Ba Phong viết thư trong tình trạng tay run run, lóng ngóng. Lúc này, ông Sáu Dân đến gần ông Ba Phong hỏi tuổi tác và động viên cố gắng phấn đấu, khắc phục khó khăn, cùng nhau đánh thắng kẻ thù, đem lại hòa bình cho đất nước. Những lời động viên đó làm cho ông Ba Phong cảm thấy phấn khích và càng quý mến sự mộc mạc, gần gũi, chân tình đối với ông Sáu Dân nhiều hơn.
Sau trận đánh Tết Mậu Thân, cũng như đất nước hoàn toàn thống nhất, ông Phạm Thanh Phong cũng nhiều lần tiếp xúc, làm việc với ông Sáu Dân. Theo ông Ba Phong, những công trình được thực hiện dưới thời ông Võ Văn Kiệt làm lãnh đạo Chính phủ có các dấu ấn đặc biệt đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế Việt Nam. Đó là chương trình khai phá vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, ngọt hóa bán đảo Cà Mau.
Vùng đất nhiễm phèn, mặn nhờ đó được cải tạo trở nên màu mỡ, trù phú. Việc xây dựng đường dây tải điện Bắc-Nam 500KV, đưa điện từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình vào miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam đã tạo cú hích mạnh mẽ cho khu vực phía Nam, vốn trước đó thiếu điện nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất.
Để minh chứng dấu ấn trên, ông Ba Phong cho rằng, đối với tỉnh Long An, đồng chí Võ Văn Kiệt góp phần và tạo điều kiện để hoàn thành khai mở vùng Đồng Tháp Mười. Cụ thể, sau năm 1975, diện tích trồng lúa của Long An khoảng 200 ngàn ha, với sản lượng lương thực chưa đạt 350 ngàn tấn, người dân thiếu ăn thường xuyên.
Song qua quá trình khai mở vùng Đồng Tháp Mười đến nay, Long An đã tăng diện tích lên hơn 500 ngàn ha và sản lượng lúa tăng lên hơn 2,7 triệu tấn/năm, qua đó đã góp phần rất quan trọng tăng sản lượng lương thực đáng kể trong nước và xuất khẩu.
“Đồng chí Võ Văn Kiệt là người dám đương đầu với thử thách, rất sâu sát với cơ sở, sống chiến đấu hết mình vì Đảng, vì dân. Những đức tính gần gũi, mộc mạc, thân thiện, chỉ đạo quyết liệt trong công cuộc đổi mới đã tạo bước đột phá lớn, đưa nền kinh tế của đất nước dần ổn định và phát triển như ngày hôm nay”, ông Phạm Thanh Phong cho biết thêm.
Ông Nguyễn Hữu Lý, người dân phường Tân Khánh, thành phố Tân An cho rằng, trong công cuộc khai phá tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười nói chung và tỉnh Long An nói riêng, phải kể tới sự quyết đoán đột phá của Thủ tướng Võ Văn Kiệt - lúc đó còn là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ông Kiệt đã chủ trương khai kênh, thoát phèn toàn vùng là kênh Trung ương ngày nay. Nhờ đó, đất vùng Đồng Tháp Mười được rửa phèn, sức người cùng cơ giới tập trung khẩn hoang đưa các loại cây phù hợp với từng vùng và kết quả là sau hơn 15 năm, vùng này đã bắt đầu hình thành cánh đồng lúa đầy tiềm năng.
Đến nay, toàn vùng đã trở thành vựa lúa lớn nhất nước với nhiều loại gạo cao sản, đặc sản phục vụ lương thực chủ yếu cho cả nước và xuất khẩu. Người dân nơi đây không quên nhắc đến “Ông Sáu Kiệt”, nhờ có ông, đời sống được nâng lên đáng kể, nhiều người trở thành tỷ phú từ canh tác nông nghiệp.
Bộ mặt nông thôn khởi sắc, đô thị mọc lên không thua kém vùng thành thị vốn dĩ được phát triển lâu đời. Ông Nguyễn Hữu Lý nhớ mãi những ngày gian nan, khổ cực trước đây. Và có cuộc sống tươi đẹp hôm nay chính là sự quan tâm, chăm lo đời sống người dân của Đảng, Nhà nước, trong đó có công lao rất lớn của ông cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.