Sáng 9/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Bên lề Quốc hội, các đại biểu đã chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này.
Còn nhiều ý kiến xung quanh Luật
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho biết: "Đây là dự án luật rất là cần thiết, bởi chúng ta đã chứng kiến các tác hại do rượu bia gây ra. Có nhiều ý kiến cho rằng, phải lạm dụng mới là tác hại, nhưng ở góc độ là người có chuyên môn trong ngành y tế, tôi thấy rằng đáp ứng của mỗi người sẽ khác nhau, khi uống vào với liều lượng khác nhau sẽ gây ra các tác hại khác nhau.
Chính vì vậy, lập luận của ngành y tế là nên dùng Luật phòng chống tác hại của rượu, bia thay vì Luật phòng chống tác hại của việc lạm dụng rượu bia, bởi đây không phải là Luật cấm uống rượu bia. Do vậy, chúng ta chỉ phòng chống tác hại của nó, đặc biệt với những người chưa trưởng thành (vị thành niên), thì tác hại của nó sẽ khủng khiếp hơn rất nhiều so với người lớn tuổi thông thường; phụ nữ mang thai khi uống rượu bia sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới mẹ và thai nhi...
Chúng ta đưa ra rào cản để hạn chế cách tiếp cận quá dễ dàng đối với rượu, bia và cũng cần đưa vào quy trình để quản lý việc sản xuất rượu thủ công. Đây là quy trình không chuẩn, có thể gây ra tác hại từ những dư độc trong sản phẩm rượu bia đó. Đồng thời phòng chống những việc kinh doanh bất hợp pháp những sản phẩm rượu bia không rõ nguồn gốc, chất lượng, đặc biệt là hành vi dùng cồn công nghiệp để pha vào rượu, khiến rất nhiều người ngộ độc và tử vong. Đây chính là thời điểm quan trọng để chúng ta đưa Luật này vào cuộc sống.
Tăng thuế, kiểm soát chặt việc bán rượu bia
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) cho biết: Có một nghịch lý ở đất nước chúng ta, đó là giá rượu bia rẻ hơn thế giới, còn giá sữa lại đắt hơn. Cho nên, về giải pháp thì trước mắt sẽ là đánh thuế. Nhưng đánh thuế thì cũng có tác dụng phụ tức là khi mặt hàng tăng giá lên thì sẽ là điều kiện thuận lợi cho hàng giả, hàng kém chất lượng tràn vào. Cho nên, cần phải kiểm soát chặt từ khâu sản xuất và kinh doanh.
Ở các nước, mua được rượu không dễ dàng. Trẻ dưới 18 tuổi chắc chắn không bao giờ mua được rượu, bia và rượu bán theo giờ. Chứ không phải như ở ta, rượu cuốc lủi mua ở đâu cũng được.
Không một quốc gia nào khuyến khích người dân uống rượu, và cũng không trông mong dựa vào ngành công nghiệp rượu, bia để mà thu lợi nhuận. Ngay cả Pháp, một quốc gia nổi tiếng xuất khẩu rượu vang, tiền thu được rất nhiều nhưng kiểm soát của họ cũng rất nghiêm ngặt. Dưới 18 tuổi là không được mua. Lái xe uống bia rượu cũng bị phạt rất nặng.
Tôi cho rằng, chúng ta có thể tiếp thu, học tập nhưng dần dần, và có lộ trình. Bởi vì vấn đề còn là tính khả thi của luật nữa. Ví dụ như đối với luật Phòng, chống tác hại thuốc lá thì ai là người xử phạt? Và cũng không thể cấm, chỉ là tránh lạm dụng.
Theo tôi, cần siết chặt việc quản lý rượu giả, rượu lậu, rượu không rõ nguồn gốc. Rượu mà chỉ mấy ngàn đồng một lít thì chỉ có cồn công nghiệp pha hoặc dùng những loại men không rõ nguồn gốc. Có biết bao vụ ngộ độc xảy ra vì loại rượu này rồi.
Cũng cần siết chặt việc quảng cáo với rượu bia từ 15 độ trở lên. Cả việc sản xuất phim ảnh, không nên đưa việc uống rượu tựa như một hình mẫu của nam nhi, hay việc uống rượu giải sầu…
Nên có những quy định, chế tài về việc tiếp khách, ví dụ, không được sử dụng rượu ngoại, rượu đắt tiền. Hoặc thời gian qua, việc cấm công chức uống rượu bia trong giờ làm việc ở một số nơi cũng đem đến những tác dụng nhất định.
Đối với việc tăng thuế, tất nhiên, rượu bia cũng là một mặt hàng cho nên phương thức bán hàng sẽ phải đồng bộ với các phương thứ khác, sẽ là tăng thuế nhưng sẽ là tăng đúng lộ trình.
Nhưng quan trọng nhất, theo tôi, vẫn là thay đổi nhận thức và ý thức của người dân. Làm sao để người dân thấy, việc thực hiện là có lợi cho họ, cho sức khỏe bản thân.