Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận dự thảo Luật Lưu trữ và Luật Đo lường

* Thảo luận ở tổ về kế hoạch phát triển KT-XH 2012 và kế hoạch 2011 - 2015

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, sáng 21/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ và Luật Đo lường.

Cân nhắc kỹ việc tổ chức lưu trữ lịch sử ở 2 cấp

Về dự thảo Luật Lưu trữ, các đại biểu cơ bản đồng tình với những tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung của cơ quan soạn thảo trong quá trình hoàn thiện. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật tiếp tục quy định về Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam bao gồm Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Quy định Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, sáng 21/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ và Luật Đo lường.và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam chỉ nhằm phân biệt nơi nộp lưu và bảo quản tài liệu lưu trữ lịch sử của các cơ quan, tổ chức nhưng về nghiệp vụ lưu trữ và việc quản lý về lưu trữ được thực hiện theo một cơ chế quản lý thống nhất về lưu trữ. Về vấn đề này, đại biểu Trần Hồng Thắm (TP Cần Thơ) cho rằng, hai phông lưu trữ được lưu giữ một nơi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thiện cơ sở vật chất, phòng ngừa thất thoát tài liệu, bộ máy quản lý tài liệu được tinh gọn. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần có những qui định chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo tính bảo mật thông tin đối với Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Về tổ chức lưu trữ lịch sử, nhiều ý kiến đề nghị tổ chức lưu trữ lịch sử ở 3 cấp (Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện) như quy định hiện hành. Theo UBTVQH, quy định chỉ tổ chức lưu trữ lịch sử 2 cấp (Trung ương và cấp tỉnh) là phù hợp, sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho tập trung nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, hiện đại hóa kho tàng, trang thiết bị làm việc để bảo quản an toàn và tổ chức sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ. Đồng tình với giải trình của UBTVQH, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, cần nghiên cứu thêm quy định về việc sắp xếp và chuyển giao lưu trữ tại cấp huyện, cấp tỉnh, tránh tình trạng khi luật có hiệu lực thi hành nhưng chuyển giao thực hiện không kịp thời, gây ra tình trạng thất thoát và hư hỏng tài liệu lịch sử cũng như không giải quyết tốt các vấn đề về việc làm, tài sản... đang được quản lý ở cấp huyện.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, dự thảo luật có 45 điều nhưng có tới 15 điều giao cho Chính phủ và Bộ Nội vụ quy định chi tiết, sẽ phải mất thời gian khá dài mới đi vào được cuộc sống. Để khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, cần quy định chi tiết ngay trong luật nhiều quy định.

Cần nâng mức xử phạt đối với hành vi gian lận đo lường

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đo lường của UBTVQH cho thấy, dự thảo đã bổ sung nhiều nội dung quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động đo lường.

Về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường, theo UBTVQH, có 52/64 báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội cho rằng mức xử phạt các hành vi gian lận còn nhẹ, cần nâng cao hơn nữa; có ý kiến đề nghị nâng mức xử phạt lên 20-50 lần số tiền thu lợi bất chính; chế tài xử phạt nghiêm minh. Tiếp thu các ý kiến này, dự thảo quy định mức phạt sẽ được thực hiện theo pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp đã áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn thấp hơn số tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm sẽ áp dụng mức phạt từ 1-5 lần số tiền đó.

Tuy nhiên, theo đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng), để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không nên quy định chi phí trong luật này mà chỉ quy định nguyên tắc về việc thu phí, lệ phí cho hoạt động đo lường như đã thể hiện ở Điều 26. Đại biểu đề nghị bỏ Khoản 5, Khoản 6, Điều 52 về xử lý vi phạm, pháp luật về đo lường, đồng thời sửa đổi, bổ sung Khoản 4 qui định về hình thức mức phạt tiền thẩm quyền xử phạt các hành vi và vi phạm pháp luật đo lường theo qui định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng: Quy định như dự thảo rất chung chung, khó thực hiện và không thống nhất trong việc thực thi trách nhiệm giữa các nơi và các tỉnh. Đại biểu đề nghị, trường hợp vượt mức phạt cao nhất nên quy định cụ thể hơn; tùy trường hợp tính chất, mức độ vi phạm có thể truy cứu hình sự đối với những trường hợp vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng. Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), cần quy định rõ nguyên tắc xử lý vi phạm pháp luật về đo lường trong nhiều lĩnh vực khác bởi hiện nay mức xử phạt vi phạm hành chính là quá nhẹ. Đại biểu đề nghị quy định trong luật nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính đối với những vi phạm về đo lường phải cao hơn số lợi bất chính thu được từ vi phạm, mức cụ thể do Chính phủ quy định. Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh) lại cho rằng, cần nâng mức xử phạt đối với hành vi gian lận đo lường để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, có thể xử phạt gấp 20 - 30 lần số tiền thu lợi bất chính. Ngoài xử phạt cần đình chỉ hoạt động đối với cơ sở cố tình vi phạm pháp luật về đo lường.

* Chiều 21/10, Quốc hội làm việc ở tổ thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và Kế hoạch 2011-2015.

Mục tiêu đã trúng nhưng giải pháp vẫn chung

Đánh giá về các chỉ tiêu chung về kinh tế như nợ công, lạm phát, bội chi, nhập siêu mà Chính phủ đề ra cho năm 2012 và giai đoạn 2011-2015, các đại biểu đều cho rằng các chỉ tiêu này là khả thi và bám sát đặc điểm cụ thể của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, từng chỉ tiêu cụ thể lại vẫn tồn tại những vấn đề cần giải quyết.

Về nợ công, đại biểu Trương Trọng Nghĩa chỉ ra rằng, nợ công năm 2011 chỉ bằng 54,6% GDP, trong khi nợ công 2015 được Chính phủ điều chỉnh bằng 60-65% GDP là khá cao nên báo cáo cần có sự giải trình cụ thể hơn nữa. Bên cạnh đó, do Việt Nam chưa xây dựng được ngưỡng cụ thể về nợ công an toàn nên Quốc hội càng cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn chỉ tiêu này.
Về ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng mà Chính phủ đề xuất, đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng, Chính phủ cần tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng tập trung vào 3 đột phá gồm: Thể chế, chất lượng nguồn lực, hệ thống hạ tầng với mô hình tăng trưởng là chọn chiều sâu và hiệu quả hơn là tốc độ và chiều rộng.
Góp ý về các giải pháp giảm gánh nặng đầu tư công, đại biểu Ngọc Hòa cho rằng: Nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển là bức thiết nhưng chủ trương đề ra vẫn cần phải cắt giảm đầu tư công. Vì vậy, để đa dạng hóa các kênh huy động vốn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng thời san sẻ bớt gánh nặng cho ngân hàng, Chính phủ cần đề ra các giải pháp tạo sức sống và sức thu hút của thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần rà soát, thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; chống lại hiện tượng các ngân hàng nhỏ thanh khoản yếu chạy đua lãi suất để huy động vốn, dẫn tới tăng lãi suất huy động chung bằng cách sáp nhập, cơ cấu lại khoản vay, mua lại khoản vay.

Tiếp tục quan tâm các vấn đề chính trị - xã hội

Đảm bảo các vấn đề xã hội là nền móng ổn định để phát triển kinh tế. Do đó, nhiều đại biểu cho rằng cần chú trọng đến các vấn đề thiết thực, liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như: Giáo dục, y tế, nhà ở, việc làm.

Với hơn 400 trường đại học và cao đẳng, đại biểu Huỳnh Thành Đạt cho rằng, sự phát triển quá nhanh về số lượng không song hành cùng chất lượng. Ngoài việc thiếu trầm trọng giáo viên giảng dạy, hệ lụy là chất lượng tuyển sinh và đào tạo của các trường đại học không đảm bảo, nhất là nhóm trường dân lập, tư thục. Bên cạnh đó, vấn đề lạm thu ở các trường phổ thông, đại học với nhiều khoản thu vô lý cũng cần phải được xem xét.

Trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an ninh xã hội, đại biểu Nguyễn Đức Chung của đoàn Hà Nội cho rằng, ngoài việc tiếp tục đảm bảo nghiêm pháp luật, cần xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi chống người thi hành công vụ. Theo đại biểu Nguyễn Đức Chung, Chính phủ đã có Chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm với Nghị quyết 09 được triển khai rất hiệu quả. Vì vậy, nên chăng cần xây dựng thêm chương trình và giải pháp để gỡ “gánh nặng” này cho xã hội.

Về vấn đề việc làm cho người lao động, đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng việc tăng lương hiện nay mới gắn với việc bù trượt giá, mà chưa gắn với năng lực của người lao động. Hiện nay, trong các cơ quan nhà nước, chỉ có 1/3 lao động là làm việc thực sự, gây lãng phí ngân sách. Vì vậy, trong đường lối phát triển 5 năm tới đây, Chính phủ nên xây dựng lộ trình giảm biên chế đi kèm với các giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng, hiệu quả đội ngũ công chức, viên chức nhà nước.

Về cải cách hành chính và chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng cần nhìn nhận xem bộ máy đã tương xứng chưa vì sau 10 năm thực hiện cải cách đã chỉ ra được hàng trăm căn bệnh trầm kha của hành chính, nhưng giải pháp chữa trị vẫn chưa đủ mạnh. Cụ thể, đã có luật về công chức, viên chức nhưng lại chưa có quy định xác nhận trách nhiệm cá nhân nên khi vào việc cụ thể như khen thưởng, phê bình, kỷ luật... rất chung chung.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN