Kỳ họp quan trọng

Kỳ họp thứ 9 là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XII nhiệm kỳ 2007- 2011, diễn ra trong lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI vào cuộc sống; cả nước tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016; các ngành, các cấp triển khai Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Nhìn vào Chương trình nghị sự của kỳ họp, tuy ngắn về thời gian, nhưng có ý nghĩa quan trọng với nhiệm vụ trung tâm là thảo luận, xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Cùng với việc tổng kết đánh giá kết quả đạt được, các báo cáo đều thẳng thắn chỉ ra các hạn chế trong hoạt động thực hiện chức năng của mình, đề ra các biện pháp cũng như kiến nghị nhằm hoàn thiện thể chế làm cho hệ thống chính trị hoạt động có hiệu quả hơn phục vụ mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Kỳ họp này còn thảo luận, phân tích sâu sắc bối cảnh tình hình, những thuận lợi, khó khăn cả từ nước ngoài, trong nước, đề xuất, bổ sung các giải pháp; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện tốt nhất các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011. Cũng như các kỳ họp khác, kỳ họp này cũng làm nhiệm vụ lập pháp, dự kiến thông qua 4 dự án luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác.

Báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trình bày, khẳng định những thành tựu to lớn trong 4 năm hoạt động với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, trong đó công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được đổi mới về quy trình, tăng cả số lượng và chất lượng; công tác giám sát được tăng cường, tập trung vào các vấn đề bức xúc của cuộc sống, có điểm mới được thực hiện là giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, mang lại hiệu quả thiết thực; chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng có chất lượng hơn, bám sát và đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn; hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng nâng cao vị thế của đất nước... Chủ tịch Quốc hội đánh giá: Nhìn một cách tổng thể, có thể khẳng định kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ khóa XII là Quốc hội đã hoạt động ngày càng dân chủ, thiết thực và hiệu quả, có nhiều đổi mới cả trong tư duy và thực tiễn hành động. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế cả về tổ chức, hoạt động và phương thức, lề lối làm việc. Cụ thể là quy trình lập pháp tuy được cải tiến, nhưng vẫn chưa đồng bộ, trong thảo luận, thông qua dự án luật một số trường hợp chưa có sự tranh luận đầy đủ, đối thoại đến cùng; hoạt động giám sát còn một số bất cập, thông tin phục vụ Quốc hội xem xét các vấn đề quan trọng của đất nước còn chưa đầy đủ, kịp thời v.v. Trên cơ sở đó, Quốc hội khóa XII nêu ra 10 kiến nghị BCH Trung ương Đảng, Quốc hội khóa XIII và các khóa tiếp theo để góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp, nhưng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng: Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá; văn hóa, xã hội có tiến bộ, đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện; chính trị ổn định; quốc phòng an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng, vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới. Chủ tịch nước đã báo cáo kết quả trong hoạt động lập pháp, tư pháp, hành pháp, an ninh quốc phòng, hoạt động đối ngoại.

Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày đã nêu rõ đầy đủ nhất những tiến bộ và kết quả hoạt động trong 4 năm qua trên 6 lĩnh vực kinh tế và xã hội của đất nước, trong đó nhấn mạnh sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; tập trung lãnh đạo chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế; coi trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tăng cường lãnh đạo chỉ đạo cải cách hành chính... Báo cáo đã đánh giá tổng quát những thành tựu quan trọng của đất nước trong 4 năm qua, góp phần đưa nước ta ra khỏi tình trạng nước đang phát triển có thu nhập thấp, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Đồng thời, Thủ tướng cho rằng vẫn còn những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, do vậy những thành tựu đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển đất nước.

Với những đánh giá mang tính tổng kết nhiệm kỳ về tiến bộ và kết quả đạt được kèm theo những kiểm điểm thẳng thắn về các hạn chế, những nguyên nhân và biện pháp khắc phục, chắc chắn kỳ họp này sẽ góp phần đổi mới hoạt động Quốc hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong 5 năm tới.

Hà Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN