Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Luật Di sản văn hóa sửa đổi là cần thiết, nhằm thể chế chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay. Đồng thời đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững. Mặt khác, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế, chương trình có liên quan đến di sản văn hóa vì thế Luật cần phải sửa đổi để bảo đảm tương thích và thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa, di sản văn hóa toàn diện.
Quan trọng hơn cả, việc xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ góp phần kiến tạo hành lang pháp lý để gìn giữ, phát huy các giá trị của di sản trở thành tài sản, coi đây là nguồn tài nguyên, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước. Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa 2001 và 15 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009.
Bố cục của dự thảo gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương 73 điều) trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ và Quốc hội thông qua tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật. Trong đó có việc hoàn thiện các quy định về chính sách của nhà nước về bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa; vấn đề về sở hữu và quyền sở hữu đối với di sản văn hóa; quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể gồm di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, bảo tàng, trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành địa phương...
Riêng về loại hình di sản tư liệu, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có riêng 1 chương quy định về "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu". Điều này nhằm bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước về di sản văn hóa, được kỳ vọng sẽ góp phần hiệu quả trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình di sản này.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Năm 2006, Việt Nam chính thức tham gia Chương trình Ký ức thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Cho đến nay, nước ta đã có 10 di sản tư liệu được vinh danh. Trong đó có 3 di sản tư liệu thế giới là Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám. Các di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; Văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế; Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng; Mộc bản trường học Phúc Giang; Hoàng hoa sứ trình đồ; Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) và gần đây nhất là Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế.
Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng: Các di sản tư liệu được UNESCO vinh danh là những minh chứng cụ thể vững chắc để điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa nhằm bổ sung loại hình mới là di sản tư liệu, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý, bao vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam. Đây cũng là một hoạt động thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Việt Nam - thành viên tích cực của UNESCO trong việc nỗ lực nội luật hóa các điều ước quốc tế, chương trình về di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên.