Kiểm toán Nhà nước công bố Quyết toán ngân sách 2010: Các vi phạm tài chính sẽ được khắc phục

Hơn 21.760 tỉ đồng là số tiền được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xử lý khi cơ quan này thực hiện kiểm toán năm 2011 (niên độ ngân sách 2010) tại 151 đầu mối bộ, ngành, các tỉnh thành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các chương trình, dự án quốc gia... Báo cáo được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố sáng 18/7, tại Hà Nội.

 

Tăng chi nhưng quản lý chưa chặt


Báo cáo của Kiểm toán cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2010 đạt 588.428 tỉ đồng, vượt 27% dự toán. Tổng chi NSNN là 648.833 tỉ đồng, vượt 11,4% dự toán. Trong đó, khoản chi tăng nhiều nhất là chi đầu tư phát triển, tăng 45,9%.


Kiểm toán việc sử dụng các khoản tăng thu, dư dự toán và dự phòng ngân sách, KTNN đánh giá việc chi sai chế độ, định mức đã giảm dần. Nghị quyết số 18/NQ-CP được triển khai có hiệu quả tại các bộ, ngành, địa phương nên đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và các chương trình, mục tiêu xóa đói giảm nghèo như chương trình 135, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. KTNN cũng khẳng định, các đơn vị được kiểm toán cơ bản đã tuân thủ quy định của Luật NSNN, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.


“Tuy nhiên, qua kiểm toán vẫn còn tồn tại không ít thiếu sót, hạn chế…”, Báo cáo của KTNN phản ánh. Cụ thể, kiểm toán 34/34 tỉnh, thành phố đều có hiện tượng vượt dự toán chi thường xuyên so với mức HĐND giao đầu năm. Điển hình như Quảng Ngãi vượt 54%, Hà Tĩnh 42,4%, Lào Cai 30,1%, Bắc Ninh 28,8%, Hà Nội 26,34%...


Trong việc chi đầu tư vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ; thực hiện điều chuyển vốn, rà soát theo hướng tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách… kết quả kiểm toán cho thấy, hầu hết các địa phương và một số bộ, ngành bố trí vốn vẫn dàn trải, thiếu tập trung; chưa ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2010. Nhiều địa phương phê duyệt quá nhiều dự án, vượt khả năng bố trí vốn như thành phố Hải Phòng, kế hoạch vốn chỉ đáp ứng 12,8% nhu cầu vốn trong các dự án được phê duyệt; tỉnh Gia Lai phê duyệt 575 dự án với tổng mức đầu tư hơn 5.200 tỉ đồng, gấp 9,6 lần kế hoạch vốn cân đối của ngân sách địa phương; Phú Thọ có 4 dự án phê duyệt trước năm 2010 với số vốn 228,9 tỉ đồng và 72/77 dự án với tổng mức đầu tư hơn 13.000 tỉ đồng phê duyệt năm 2010 nhưng đến năm 2011 vẫn “đắp chiếu” do không bố trí được vốn.


Kiểm toán việc quản lý chi NSNN, KTNN cũng chỉ ra việc chi mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản tại 18/34 địa phương thiếu chặt chẽ, mua sắm tài sản không đúng quy định của Luật Đấu thầu, chưa xây dựng, ban hành quy chế quản lý tài sản công theo quy định, chưa hạch toán, theo dõi đầy đủ tài sản cố định.

 

Vi phạm tài chính sẽ dần được khắc phục


“Xử lý tài chính 21.765,5 tỉ đồng. Trong đó, các khoản tăng thu là 3.207,9 tỉ đồng; giảm chi là 2.199,2 tỉ đồng; nợ đọng phát hiện tăng thêm là 1.204,3 tỉ đồng; các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN là 14.382,1 tỉ đồng; các khoản xử lý khác là 772 tỉ đồng”.

Nguồn: Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010.

Từ kết quả kiểm toán năm 2011 (niên độ ngân sách 2010), ông Lê Minh Khái, Phó Tổng KTNN cho biết, KTNN đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 33/2008/CT-TTg ngày 20/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nghiêm các chính sách tài khóa và thực hiện các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm toán. Đồng thời, KTNN cũng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ ban hành Nghị quyết để chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị hợp lý của KTNN bởi nhiều năm qua, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của TKNN vẫn đạt thấp (dưới 70%).


Tại buổi họp báo, giải thích vấn đề tăng chi đầu tư phát triển của năm 2010, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng (2009-2010), việc tăng chi của Chính phủ là nhằm chống suy giảm kinh tế, giải pháp là phù hợp với tình hình, được thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, trong vấn đề tăng chi, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước chưa tập trung vốn vào các công trình, dự án trọng điểm, thiết yếu để sớm đưa vào khai thác, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, hiện tượng đầu tư ngoài ngành của khối các tổ chức tài chính, tín dụng, doanh nghiệp nhà nước chậm được phát hiện, chấn chỉnh nên đã xảy ra hiện tượng vốn đầu tư bị dàn trải, kém hiệu quả.


Khắc phục vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 1792/CT-TTg Về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Đặc biệt là kết luận Hội nghị Trung ương 3 đã tìm ra được ba khâu đột phá quan trọng để nâng cao hiệu quả nền kinh tế: thứ nhất là tái cơ cấu đầu tư công; hai là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và ba là tái cơ cấu ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, nhận ra các khiếm khuyết của nền kinh tế, trong Hội nghị toàn ngành Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây triển khai kế hoạch trung hạn về phát triển kinh tế, Bộ KH &ĐT đã công khai phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2013 – 2015 đối với các bộ, ngành, địa phương nhằm tăng quyền chủ động và tính trách nhiệm cho địa phương, các bộ, ngành. “Với các giải pháp mà Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã và đang triển khai, từ năm 2013, những khiếm khuyết được nêu trong các kết luận của KTNN trong những năm qua sẽ dần được khắc phục”, ông Nguyễn Đức Kiên nói.

 

Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN