Yêu cầu đối với lực lượng được cử đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc rất cao và toàn diện. Các quân nhân được đòi hỏi phải có phẩm chất, năng lực hoạt động trong môi trường an ninh chính trị phức tạp, căng thẳng tiềm ẩn nguy hiểm, rủi ro cao, địa bàn hoạt động, khí hậu, phong tục, tập quán rất đa dạng, khắc nghiệt, bất đồng về ngôn ngữ, khác biệt phong tục tập quán; đời sống sinh hoạt hết sức khó khăn.
Để đáp ứng điều đó, bên cạnh việc làm tốt công tác tuyển chọn nhân sự, tổ chức, huấn luyện, đào tạo, việc chuẩn bị tốt về tư tưởng và nghiên cứu, đề xuất và thực hiện tốt chế độ, chính sách đãi ngộ toàn diện, phù hợp cả trước, trong và sau khi thực hiện nhiệm vụ sẽ góp phần tạo động lực cho quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; giúp họ yên tâm, tập trung nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Những năm qua, việc thực hiện Nghị định số 162/2016/NĐ-CP ngày 14/12/2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với cá nhân và công tác bảo đảm đối với các tổ chức của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần động viên, khuyến khích các quân nhân Việt Nam, trong đó có quân nhân nữ, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và là một nhân tố quan trọng làm nên những kết quả trong việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam.
Để các quân nhân nữ của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu và tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc một cách bền vững, cùng với việc tích cực triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật đã được Nhà nước ban hành, theo bà Nguyễn Phương Nga, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, nguyên Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu, đề xuất một chế độ ưu đãi đặc biệt, cụ thể dành cho cá nhân quân nhân nữ để khắc phục khó khăn, bảo đảm sức khỏe phục vụ và động viên tinh thần chị em, nhất là trong hoàn cảnh điều kiện khí hậu, sinh hoạt tại địa bàn hoạt động của các phái bộ nhìn chung rất khắc nghiệt đối với phụ nữ.
Đồng thời, để các quân nhân, nhất là quân nhân nữ, yên tâm khi phải xa gia đình và xa Tổ quốc, để những người được cử đi và gia đình họ yên tâm, khích lệ quân nhân thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao, cần quan tâm chăm lo đến vấn đề hậu phương quân đội. Bà Nguyễn Phương Nga mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách cho gia đình các quân nhân của lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trước hết là vợ/chồng, được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng tương tự như đối với cán bộ được cử đi công tác nhiệm kỳ ở nước ngoài của các cơ quan, tổ chức khác.
Để hướng tới tăng tỷ lệ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cần chú trọng nâng cao năng lực cho phụ nữ tham gia hoạt động này thông qua tăng cường hợp tác giao lưu quốc tế; tạo điều kiện cho nữ quân nhân được giao lưu với đồng nghiệp ở các nước khác, chia sẻ kinh nghiệm, huấn luyện, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, ngoại ngữ.
Cùng với việc nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong xã hội, cần tích cực triển khai công tác truyền thông, lan tỏa trong công chúng, đặc biệt là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên về những tấm gương tốt của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nói chung và các quân nhân nữ nói riêng. Qua đó, giáo dục lý tưởng sống, những giá trị tốt đẹp về hòa bình, tình thương yêu, sự đồng cảm, sẻ chia và ý thức trách nhiệm với cộng đồng, ý chí vượt khó khăn, phấn đấu rèn luyện sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cao cả, nhằm thu hút sự quan tâm, khích lệ phụ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Bà Nguyễn Phương Nga cho rằng, làm tốt công tác này sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo nguồn nhân lực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc một cách bền vững, lâu dài, có sự nối tiếp, thay thế, giúp các chương trình dài hạn và trung hạn về đào tạo bồi dưỡng, xây dựng lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tiếp tục thành công.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ của toàn dân, với các chế độ, chính sách khuyến khích, động viên phù hợp, các chiến sĩ mũ nồi xanh của Việt Nam sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất trọng trách được giao, thực sự là các “sứ giả của hòa bình và tình hữu nghị”, góp phần tăng thêm sự tin cậy, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam và tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc.