Tới dự có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh; thân nhân liệt sĩ và gia đình, các vị nguyên là thành viên Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Sài Gòn - Gia định, Ban liên lạc truyền thống Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, Việt Nam...
Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam và các đại biểu cắt băng khánh thành công trình. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN
|
Công trình nhà bia được xây dựng trên diện tích 2.000 m2 ven khu rừng Văn hóa, Lịch sử Chàng Riệc gồm các hạng mục: Khu nhà bia lưu niệm, khu kỹ thuật phụ trợ, khu cảnh quan cây xanh, khu sân lễ, giao thông nội bộ và hàng rào... Tổng kinh phí đầu tư cho công trình này là 7 tỷ đồng do UBND Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ.
Công trình nhằm ghi lại dấu ấn sâu sắc thời kỳ hoạt động cách mạng của tầng lớp nhân sĩ, trí thức, thương gia, các nhà hoạt động xã hội ở khắp các đô thị miền Nam; sẵn sàng chấp nhận gian khó, từ bỏ cuộc sống giàu sang, đi theo tiếng gọi của Đảng, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Trung ương cục miền Nam, đã nêu cao tinh thần yêu nước, tham gia đấu tranh chống Mỹ, giành độc lập tự do cho dân tộc.
Bác Hoàng Liên, nguyên là thành viên Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam đứng chân tại khu rừng Chàng Riệc, Tây Ninh nhớ lại, ra đời trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, liên minh đã tập hợp được đông đảo các nhân sĩ, trí thức, các nhà hoạt động kinh tế, xã hội nổi tiếng lúc bấy giờ như: Tiến sĩ, Luật sư Trịnh Đình Thảo, Giáo sư Nguyễn Văn Kiết, Bác sĩ Dương Đình Hoa, Tiến sĩ Trần Văn Hưởng, Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ...Trong thời kỳ này, tuy cuộc sống đầy khó khăn, gian khổ, nhưng với lòng nhiệt thành yêu nước, sát cánh với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Trung ương cục, Liên minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thời lúc bấy giờ là tập hợp mọi tầng lớp quần chúng, đấu tranh cho độc lập, chủ quyền, tự do, dân chủ, hòa bình, thống nhất tổ quốc.
Các đại biểu trồng cây lưu niệm. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN
|
Tại nơi đây, nhiều người đã anh dũng hy sinh do bom đạn Mỹ và sốt rét rừng như Nhà báo Trần Triệu Luật, Nhà thơ Trần Quang Long, phu nhân của Luật gia Trần Bửu Kiếm...Họ đã góp phần xương máu, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước như ngày hôm nay.
Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam thực hiện tốt việc quản lý, bảo quản nhà bia; bảo tồn phát huy giá trị của khu di tích, để nơi đây thành địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống cho mọi tầng lớp xã hội đến tham quan, tìm hiểu truyền thống.