Ngay sau phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII, chiều 29/11, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo, công bố kết quả Kỳ họp. Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 Uông Chu Lưu Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cùng chủ trì buổi họp báo. Dự họp báo còn có đại diện lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội, bộ, ban, ngành trung ương. Quang cảnh phiên bế mạc kỳ họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN. |
Sau 32 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao với sự tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan cùng sự quan tâm, theo dõi, giám sát và chia sẻ của đông đảo đồng bào cử tri, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự đề ra.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã tập trung thời gian xem xét, thông qua và quyết định nhiều nội dung quan trọng, có ý nghĩa với sự phát triển của đất nước, nổi bật là việc thông qua Hiến pháp sửa đổi và Luật Đất đai (sửa đổi). Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này gồm có Lời nói đầu, 11 chương, 120 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014, được tuyệt đại đa số nhân dân đồng tình, đã thể hiện tinh thần dân chủ, đổi mới, ý chí và nguyện vọng của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Việc ban hành Luật đất đai (sửa đổi) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, Quốc hội cũng đã thông qua 8 luật, cho ý kiến đối với 10 dự án luật khác
Quốc hội dành thời gian để nghe và thảo luận Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5.
Một nội dung đáng chú ý khác trong Kỳ họp là việc Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Thiện Nhân phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ đối với các ông Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Nguyễn Văn Nên.
Quốc hội cũng tiến hành bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội.
Thực hiện chương trình nghị sự cuối năm, Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp trung ương về nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.
Trao đổi với phóng viên báo chí tại buổi họp báo, liên quan đến thông tin chi phí mỗi ngày họp Quốc hội tốn khoảng 1 tỷ đồng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, nhận định này là không có cơ sở. Cũng theo ông Phúc, sở dĩ, Kỳ họp thứ 6 phải kéo dài thời gian làm việc hơn so với những kỳ họp khác là do khối lượng công việc của Kỳ họp nhiều hơn đòi hỏi phải đảm bảo đủ thời gian để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu, xem xét quyết định các nội dung nghị sự.
Liên quan đến quy định về thu hồi đất, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, nhóm quy định này trong Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng dựa trên cơ sở tinh thần của Điều 54 Hiến pháp sửa đổi.
Quy định mới này sẽ sau khi có hiệu lực sẽ đưa việc thu hồi đất vào một quy trình rất chặt chẽ khắc phục được những vướng mắc, khó khăn, khiếu kiện trong thu hồi đất đai thời gian qua. Đặc biệt quy định mới cũng sẽ hạn chế việc lạm dụng thu hồi đất của các cơ quan có chức năng, gây bức xúc trong nhân dân.
Trao đổi thêm với phóng viên các cơ quan báo chí xung quanh quy trình, thủ tục xây dựng, thông qua dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Phó Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 Uông Chu Lưu nêu rõ, Hiến pháp sửa đổi thông qua tại Kỳ họp lần này được thực hiện theo một quy trình hết sức khoa học, cẩn thận trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội qua 3 kỳ họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã dành hơn chục phiên họp để xem xét nội dung dự thảo.
Ủy ban cũng xem xét, chắt lọc từ hơn 26 triệu lượt ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, nhà khoa học vào dự thảo. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội cũng đã dành 3 ngày để đại biểu tham gia góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trên cơ sở đó, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã tập hợp, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo các đại biểu Quốc hội trước khi Quốc hội tiến hành biểu quyết, thông qua.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, thông qua Hiến pháp sửa đổi là công việc cần thiết nhưng để đưa Hiến pháp vào cuộc sống cũng là việc làm hết sức hệ trọng. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sớm xây dựng Kế hoạch triển khai Hiến pháp để từng cấp, ngành, địa phương tổ chức thực hiện. Những công việc cần ưu tiên triển khai Hiến pháp là rà soát lại tất cả văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành trước đến nay, nhất là các luật về tổ chức để đảm bảo tính hợp Hiến của luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung của Hiến pháp sửa đổi đến mọi tầng lớp nhân dân, sớm đưa Hiến pháp đi vào thực tiễn đời sống.
Quang Vũ