6 tháng đầu năm, toàn ngành Nội vụ đã nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, tạo được những chuyển biến quan trọng trên các lĩnh vực, nhất là trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy bên trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp gắn với hoàn thiện quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành Trung ương và địa phương theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW và 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Thông tin trên được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022 của ngành Nội vụ, diễn ra sáng 6/7.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Nội vụ đã tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước một cách đồng bộ, thống nhất hơn trên tất cả các lĩnh vực, tạo được sự ổn định và phát triển rõ nét của ngành Nội vụ cả nước trong 6 tháng qua.
Báo cáo tại Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long trình bày cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ và ngành Nội vụ đã nhận được sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trên tinh thần “Đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, hiệu quả”, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành đã tập trung tham mưu cho cấp có thẩm quyền thực hiện đầy đủ, toàn diện tất cả các mặt công tác thuộc lĩnh vực Nội vụ với trách nhiệm cao, đạt được nhiều kết quả quan trọng; đồng thời rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hàng loạt cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, khai thông những điểm nghẽn trong quá trình tổ chức thực thi chính sách, pháp luật.
Xác định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, Bộ Nội vụ đã tập trung nguồn lực để rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Nội vụ, trên cơ sở đó đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022; xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bộ tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 nghị quyết; cho ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi); trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 nghị quyết, 6 quyết định và đang trình 4 dự thảo nghị định. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành theo thẩm quyền 6 thông tư và 3 văn bản hợp nhất.
Ngay từ đầu năm, Bộ Nội vụ đã tham mưu giúp Chính phủ ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền, trách nhiệm trong thực thi công vụ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo sự thống nhất, hài hòa giữa các cấp, các ngành, trên tinh thần hướng về cơ sở; lấy quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm và đề cao tính tự chịu trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, minh bạch. Đến nay, cơ bản các bộ, ngành đã triển khai nhiệm vụ bảo đảm tiến độ được giao.
Bộ Nội vụ tham mưu Ban Cán sự Đảng Chính phủ xây dựng báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đối với khối cơ quan do Chính phủ quản lý và phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 28-KL/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tại cuộc họp ngày 01/4/2022, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026; đối với biên chế công chức đến năm 2026 giảm 5% biên chế so với năm 2021 và giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Bộ cũng đề xuất với cấp có thẩm quyền về đẩy mạnh phân cấp việc quản lý và giao biên chế công chức, viên chức cho các địa phương để gắn trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền các cấp trong việc sử dụng có hiệu quả biên chế được giao. Sở Nội vụ các địa phương đã tích cực tham mưu cho cấp có thẩm quyền triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong, đạt được những kết quả nhất định.
Theo Thứ trưởng Trương Hải Long, đến nay, các địa phương cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và đơn vị sự nghiệp công lập theo các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, điển hình như Cao Bằng, Yên Bái, Long An, Bình Phước, Ninh Thuận, Gia Lai, Vĩnh Phúc, Cà Mau, Lạng Sơn, Quảng Ninh…
Đáng chú ý, Bộ Nội vụ tập trung rà soát, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức để giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện liên quan đến công tác tuyển dụng, đánh giá, xếp loại chất lượng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kỷ luật, thôi việc… theo phản ánh, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương.
Triển khai Nghị định số 89/2021/NĐ-CP và chủ trương cắt, giảm các chứng chỉ bồi dưỡng không phù hợp, Thứ trưởng Trương Hải Long cho biết, Bộ Nội vụ đã quyết liệt đôn đốc các bộ quản lý công chức, viên chức chuyên ngành sửa đổi, bổ sung các thông tư về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành được giao quản lý. Tính đến thời điểm 30/6, đã có 11/48 thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được sửa đổi, bổ sung, bảo đảm phù hợp với quy định mới của Nghị định số 89/2021/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức).
Bộ Nội vụ đã chỉnh sửa, ban hành mới 7 Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; đôn đốc, phối hợp với các bộ quản lý viên chức chuyên ngành sửa đổi các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo yêu cầu của Nghị định số 89/2021/NĐ-CP để bảo đảm đồng bộ khi triển khai các thông tư mới về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
“Công tác quản lý đội ngũ công chức viên chức của ngành Nội vụ đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Phân cấp triệt để trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý cán bộ, công chức, viên chức tại các bộ, ngành, địa phương. Tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan nhà nước các cấp gắn với việc thực hiện nghiêm túc văn hóa công vụ”, Thứ trưởng Trương Hải Long cho biết thêm.