Sự kiện được đánh giá là một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam và được tổ chức liền kề với Hội nghị Thượng đỉnh châu Á lần thứ 10 tại Hà Nội tới đây.
Được sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì và là đơn vị tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2019.
Trong chương trình dự kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham gia và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, cùng với các diễn giả là lãnh đạo các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, học giả và các doanh nghiệp lớn, uy tín ở trong và ngoài nước.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, Hội nghị VBS 2019 thu hút 600 đại biểu, bao gồm 200 đại diện lãnh đạo cao cấp (CEO) của các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế đến dự Hội nghị Thượng đỉnh châu Á lần thứ 10 và đoàn doanh nghiệp Nhật Bản sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Với chủ đề “Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cây trong Kỷ nguyên Số”, hội nghị VBS 2019 tập trung thảo luận về những đổi mới khoa học công nghệ; sự chuyển dịch nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số và những cơ hội cho Việt Nam. Qua đó, các diễn giả sẽ bàn tới xu hướng số hóa trên toàn cầu; sự tác động của công nghệ đối với các thị trường mới nổi ở Việt Nam; những cơ hội và mô hình kinh doanh mới đang được hình thành…
Liên quan tới nội dung chuyển dịch nguồn nhân lực, một số đại diện doanh nghiệp sẽ cùng các cơ quan quản lý nhà nước thảo luận về việc khi nền kinh tế tiến sâu hơn vào thời đại kỹ thuật số, nhu cầu đối với các công việc thủ công và không đòi hỏi nhiều kỹ năng sẽ dần suy giảm và bị thay thể bởi các công việc mới đòi hỏi kỹ năng cao hơn. Do đó, cần thúc đẩy những nỗ lực để xây dựng lực lượng lao động của tương lai mà điểm bắt đầu là từ các chính doanh nghiệp với sự hợp tác, hỗ trợ từ Chính phủ và các đơn vị giáo dục đào tạo.
Các diễn giả cũng bàn về việc thị trường lao động Việt Nam đang chuyển dịch ra sao dưới tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0? Cơ hội hợp tác mới đối với các nhà tuyển dụng, người lao động, tổ chức đào tạo nhân lực ở Việt Nam hiện nay là gì? Định hướng thị trường lao động Việt Nam trong thời gian tới và các giải pháp của Chính phủ để nâng cao chất lượng của lực lượng lao động. Mối quan hệ hợp tác giữa các trường và doanh nghiệp ra sao để xây dựng chương trình phù hợp nhằm đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực?
Cùng với đó, các chuyên gia kinh tế cũng có cuộc đối thoại với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về cách thức để tối ưu hóa cơ hội kinh doanh tại Việt Nam trong kỷ nguyên số ở một số lĩnh vực như tài chính, nông nghiệp, sản xuất… và giới thiệu một số điển hình ứng dụng thành công khoa học công nghệ để tối ưu hóa hoạt động doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Tham gia hội nghị, các doanh nghiệp có cơ hội cập nhật những xu hướng phát triển mới nhất của nền kinh tế trong thời đại số; những cơ hội kinh doanh mới, những bài học kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mà đã thành công tại thị trường Việt Nam.
Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước gặp gỡ trực tiếp, kết nối và chia sẻ thông tin về các dự án hợp tác kinh doanh tiềm năng với 200 doanh nghiệp uy tín là đại biểu của Hội nghị Thượng đỉnh châu Á (ABS) và đoàn doanh nghiệp Nhật Bản.