Ngày 17/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 đã tổ chức họp báo về kết quả tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992. Tham dự có Thường trực Ban Chỉ đạo và đại diện các bộ, ngành hữu quan.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Người phát ngôn của Ban Chỉ đạo đã thông báo kết quả tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992. Theo đó, ngay sau khi được Ủy ban dự thảo sửa, đổi Hiến pháp giao nhiệm vụ, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo và tiến hành tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình từ Trung ương đến địa phương; đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổng kết với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng sự chỉ đạo của Chính phủ.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, công tác tổng kết được thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ, khoa học, bài bản, thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổng kết theo chuyên đề gắn trực tiếp với đặc thù quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoặc gắn với các vấn đề đang nổi cộm đã giúp Chính phủ, Ban Chỉ đạo có những cơ sở thực tiễn, vừa mang tính tổng hợp, chuyên sâu, bao quát toàn bộ lĩnh vực liên quan đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ. Việc tổng kết thi hành Hiến pháp góp phần làm cho các bộ, ngành, địa phương có nhận thức mới về tầm quan trọng của Hiến pháp, cũng như xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong tổ chức quyền lực nhà nước.
Đến tháng 1/2012, Ban Chỉ đạo của Chính phủ Tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 đã nhận được báo cáo tổng kết của 63 địa phương, báo cáo của 30 bộ, ngành và 22 báo cáo chuyên đề. Trên cơ sở tổng hợp kết quả báo cáo tổng kết của các bộ, ngành, địa phương, các báo cáo chuyên đề…, Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Báo cáo của Chính phủ tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 trình Ủy ban dự thảo sửa, đổi Hiến pháp.
Kết quả tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ tập trung vào các nội dung chính là: Phân công quyền lực của Nhà nước; Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; Kỹ thuật lập hiến. Ban Chỉ đạo đã đề nghị một số nội dung liên quan đến việc sửa, đổi Hiến pháp, trong đó cần tập trung vào nội dung đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước; kế thừa những nhân tố hợp lý trong tổ chức quyền lực, phân công quyền lực của Hiến pháp năm 1992; đổi mới phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Quỳnh Hoa