Ông Lê Văn Thời, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục dự trữ Nhà nước đã có cuộc trao đổi với báo chí ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao xuất cấp gạo hỗ trợ nhân dân một số địa phương đón Tết.
Năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ nhân dân một số địa phương trong dịp Tết Nguyên đán 2019. Xin ông cho biết cụ thể hơn về việc cấp gạo dịp Tết năm nay?
Với tinh thần “tương thân, tương ái”, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt để chăm lo Tết cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Hàng năm cứ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, Chính phủ luôn có những chính sách và ban hành các quyết định xuất cấp từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho các địa phương vùng khó khăn, đặc biệt là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, bão lụt.
Năm nay, để người dân vùng khó khăn, vùng bị thiên tai, hạn hán, mất mùa được đón tết cổ truyền của dân tộc trong đầm ấm và vui tươi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 quyết định xuất 7.805,31 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ 520.354 nhân khẩu của 14 tỉnh. Cụ thể, quyết định số 95/QĐ-TTg ngày 18/1/2019 hỗ trợ 1.068,66 tấn gạo cho các tỉnh Ninh Thuận và Tuyên Quang.
Quyết định số 102/QĐ-TTg ngày 21/1/2019 hỗ trợ 1.264,86 tấn gạo cho tỉnh Nghệ An.
Quyết định số 106/QĐ-TTg ngày 22/1/2019 hỗ trợ 3.718,35 tấn gạo cho các tỉnh: Hà Giang, Phú Yên, Bình Định, Quảng Bình, Yên Bái, Cao Bằng.
Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 25/1/2019 hỗ trợ 544,275 tấn gạo cho tỉnh Gia Lai.
Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 28/1/2019 hỗ trợ 717,96 tấn gạo cho các tỉnh Hòa Bình, Đắk Lắk và Kon Tum.
Quyết định số 132/QĐ-TTg ngày 2581/2019 hỗ trợ 491,205 tấn gạo cho tỉnh Thanh Hóa.
Mức hỗ trợ là 15 kg/tháng/nhân khẩu, thời gian hỗ trợ 1 tháng. Đối tượng được trợ giúp đột xuất cứu đói là những người, hộ gia đình gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc những lý do bất khả kháng khác gây ra.
Thưa ông, để kịp thời đưa gạo cứu trợ đến với người dân, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã triển khai công việc này như thế nào? Năm nay, việc triển khai công việc này có điểm gì mới so với năm trước không?
Trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xuất cấp gạo cho các địa phương, căn cứ vào đề nghị của UBND các tỉnh, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) đã chỉ đạo các Cục dự trữ Nhà nước khu vực chuẩn bị sẵn nguồn gạo, xây dựng kế hoạch xuất kho, bố trí phương tiện vận chuyển, bốc xếp. Bên cạnh đó, trực tiếp liên hệ, trao đổi với Ủy ban Nhân dân các tỉnh và các đơn vị được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận gạo hỗ trợ để sẵn sàng xuất kho, vận chuyển, giao nhận gạo ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ gạo để bảo đảm hỗ trợ gạo kịp thời cho nhân dân trước Tết nguyên đán.
Đồng thời, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã tăng cường phối hợp với các cấp chính quyên địa phương trong kiểm tra, giám sát việc cấp phát, quản lý sử dụng gạo đến các đối tượng thụ hưởng chính sách, bảo đảm gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ đúng đối tượng, mục đích.
Hơn nữa, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông của địa phương và Trung ương để tăng cường tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc hỗ trợ gạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngay sau khi nhận được quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất gạo hỗ trợ cho các địa phương theo đúng kế hoạch tiếp nhận của Ủy ban Nhân dân các tỉnh và quy định về xuất cấp hàng dự trữ quốc gia hiện hành.
Thưa ông, phải xuất cấp số lượng gạo lớn, lại triển khai trong thời gian ngắn thì việc số lượng, chất lượng gạo dự trữ có được đảm bảo hay không?
Về số lượng, chúng tôi khẳng định với mức dự trữ hàng dự trữ quốc gia nói chung và gạo dự trữ quốc gia nói riêng như hiện nay luôn báo đảm để đáp ứng kịp thời nhu cầu hỗ trợ của các địa phương. Việc dự trữ bao nhiêu, như thế nào, hằng năm đã được bố trí, tính toán theo nhu cầu của từng khu vực và từng thời điểm. Do đó, trong trường hợp các địa phương có nhu cầu hỗ trợ, nguồn lực dự trữ luôn sẵn sàng đáp ứng kịp thời hỗ trợ các địa phương trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định tình hình an ninh chính trị và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Về chất lượng, trong dịp này, chúng tôi đã trực tiếp đến kiểm tra tình hình cấp phát gạo cho nhân dân của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Qua kiểm tra thực tế và tổng hợp báo cáo của các Cục dự trữ Nhà nước khu vực, tôi khẳng định chất lượng gạo dự trữ quốc gia ở bất cứ thời điểm nào, khi xuất cấp cho nhân dân được đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
Bởi lẽ, gạo dự trữ quốc gia có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng cụ thể, trước khi nhập kho được kiểm tra rất chặt chẽ qua nhiều khâu. Đồng thời, khi đưa vào kho được bảo quản theo công nghệ bảo quản tiên tiến, hiện đại, chuyên nghiệp nên an toàn tuyệt đối về chất lượng trước khi xuất kho.
Trước đây cũng có thông tin phản ánh là gạo dự trữ phát cho nhân dân ở không đảm bảo chất lượng, nhưng khi chúng tôi đi kiểm tra thực tế thì nguồn gạo đó không phải gạo dự trữ quốc gia mà từ nguồn khác...
Vậy xin ông cho biết kết quả thực hiện việc xuất cấp gạo đến nay ra sao?
Tính đến hết ngày 31/1/2019 (tức ngày 26 Tết), Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã hoàn thành 100% kế hoạch xuất cấp 7.805,31 tấn gạo để hỗ trợ cho 520.354 nhân khẩu của 14 tỉnh. Gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương bảo đảm đủ về số lượng, an toàn về chất lượng, theo đúng kế hoạch phân bổ, tiếp nhận của Ủy ban Nhân dân các tỉnh.
Việc xuất gạo dự trữ quốc gia gửi đến người nghèo, những hộ dân còn thiếu đói gặp khó khăn vào mỗi dịp Tết đến, xuân về luôn có ý nghĩa rất lớn. Mặc dù số gạo cấp cho mỗi người dân không nhiều nhưng là nguồn động viên nhân dân vượt qua thời điểm khó khăn, ổn định đời sống và đón chào một năm mới tràn đầy niềm tin, đầm ấm và hạnh phúc; góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm sự ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng thêm niềm tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ.
Xin cảm ơn ông!