Tham dự Hội thảo có các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam, Pháp, Italia, Nga, Thụy Điển, Singapore, Malaysia, Campuchia, Nigeria.
Khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Triệu Văn Cường cho biết, Chính phủ Việt Nam nói chung, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội trực thuộc Bộ Nội vụ nói riêng đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm về cải cách hành chính để trao đổi, học hỏi trên nhiều phương diện, trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực khu vực công. Hội thảo khoa học quốc tế này nằm trong nỗ lực chung nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và hội nhập quốc tế, góp phần cải cách hành chính. Hội thảo góp phần chia sẻ những kinh nghiệm giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó cung cấp những cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để giúp Bộ Nội vụ tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền trong việc hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về lĩnh vực này.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Bá Chiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội khẳng định, nguồn nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất của tổ chức, quyết định sự thành bại của tổ chức, là chìa khóa để giải quyết các vấn đề của tổ chức. Đầu tư vào nguồn nhân lực là đầu tư cho phát triển. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức không chỉ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của từng cơ quan nhà nước mà còn ảnh hưởng tới kết quả hoạt động của nền công vụ quốc gia, tác động tới hiệu quả quản trị quốc gia. Kết quả công việc, năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức phản ánh rõ nét nhất hiệu quả hoạt động của nền công vụ, hiệu quả của hoạt động điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ. Vì vậy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nâng cao chất lượng hoạt động động công vụ. Nhà nước Việt Nam xác định, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức vừa là yêu cầu trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài nên phải thực hiện thường xuyên để nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại.
Với tham luận “Tầm nhìn Việt Nam 2045 và Chiến lược đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Minh Khương, Viện Quản trị Chandler nêu bật 8 xu thế lớn toàn cầu đang tác động tới sự phát triển của các quốc gia trên thế giới đó là: toàn cầu hóa; sự trỗi dậy của khu vực châu Á; quá trình đô thị hóa; dân số ngày càng già hóa; phát triển bền vững trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia và thực hiện trách nhiệm xã hội của các chủ thể trong xã hội. Những xu thế này đang tác động mạnh mẽ tới cách thức xác lập thể chế, vận hành quản trị quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bối cảnh đó đang đặt ra những thách thức đòi hỏi những nỗ lực cải cách vượt bậc của Việt Nam.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, nền hành chính phục vụ là nền hành chính lấy công dân làm trung tâm, mọi quá trình của nền hành chính đều dựa vào sức mạnh của công dân và vì lợi ích của công dân. Chỉ khi Chính phủ là Chính phủ mở, công dân dễ tiếp cận với Chính phủ mới có thể phát huy được đầy đủ vai trò, trách nhiệm của công dân vào quá trình quản lý nhà nước. Bốn nội dung của nền hành chính phục vụ ở Việt Nam bao gồm: nền hành chính dân chủ, lấy công dân làm trung tâm; lấy phục vụ công dân làm tôn chỉ mục đích, là giá trị cốt lõi; tính pháp quyền của nền hành chính và nền hành chính trách nhiệm. Từ đó, ông đề xuất một số nội dung cần phải hoàn thiện để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền hành chính phục vụ.
Dẫn lời Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, “nhân tài là tài sản giá trị nhất của một quốc gia. Đối với một đất nước nhỏ bé với 2 triệu dân, nghèo tài nguyên và chỉ mới giành được độc lập từ năm 1965 như Singapore, đây chính là yếu tố quyết định... Gánh nặng chính của công tác lập kế hoạch và thực hiện được đặt lên vai của khoảng 300 lãnh đạo chủ chốt”, ông Wu Wei Neng, Giám đốc điều hành Viện Quản trị Chandler, cho rằng tầm quan trọng của đội ngũ lãnh đạo cấp cao đó là: định hình văn hóa tổ chức, tầm nhìn, chiến lược, thiết lập mục tiêu và đảm bảo sự triển khai phù hợp; quản lý và phân bổ nguồn lực quý giá của tổ chức (ví dụ: tiền bạc, nhân tài, thời gian); tăng cường, duy trì tổ chức và chuyển giao một di sản vững chắc hơn cho các nhà lãnh đạo kế thừa.