Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị.
Cùng dự có Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; đại diện các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương cùng hơn 7.500 đại biểu tại 112 điểm cầu trên toàn quốc.
Đại biểu dự Hội nghị được nghe giới thiệu các chuyên đề: Nội dung cơ bản của Luật Quốc phòng năm 2018, các Nghị định về phòng thủ dân sự; phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ; tình trạng khẩn cấp, thiết quân luật, giới nghiêm; về công tác quốc phòng ở bộ, ngành, địa phương; về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, thực hiện động viên quốc phòng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, Luật Quốc phòng năm 2018 có phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt có nhiều quy định thể chế đầy đủ đường lối, quan điểm mới của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ Quốc.
Thượng tướng Phan Văn Giang đề nghị các báo cáo viên giới thiệu các chuyên đề đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thông tin chính xác, có liên hệ sát thực tế, phương pháp dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Các đại biểu cần nghiên cứu nắm chắc các nội dung cơ bản, nhất là những điểm mới của Luật Quốc phòng và nghị định quy định chi tiết thi hành Luật; phát hiện những vấn đề nảy sinh, vướng mắc, bất cập cần đề xuất chủ trương, giải pháp khắc phục trong thời gian tới, nhằm hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thể chế pháp luật của Nhà nước.
Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam yêu cầu sau hội nghị này các cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang tổ chức tập huấn, quán triệt cho cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì thuộc cơ quan, đơn vị về Luật Quốc phòng và các văn bản thi hành Luật; nắm vững bản chất, chính sách quốc phòng Việt Nam, nền quốc phòng toàn dân.
Qua đó, các cơ quan, đơn vị thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự đạt kết quả thiết thực; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, nhất là những quy định mới của Luật Quốc phòng năm 2018 và các văn bản thi hành Luật; tuyên truyền để các nước trên thế giới hiểu về chính sách quốc phòng của Việt Nam.
Đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương trong quá trình tổ chức thi hành Luật Quốc phòng năm 2018, nếu phát hiện vướng mắc, bất cập cần chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ, để cơ quan chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước điều chỉnh chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng.
Các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần rà soát, bổ sung, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án liên quan đến quốc phòng; thực hiện có hiệu quả việc kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng. Luật Quốc phòng năm 2018 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2019.