Hội nghị Khoa học và Công nghệ Cơ khí - Động lực lần thứ 14

Ngày 12/3, tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Câu lạc bộ Cơ khí Động lực phối hợp với Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tổ chức Hội nghị Khoa học và Công nghệ Cơ khí - Động lực lần thứ 14.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham quan, tìm hiểu mô hình, sản phẩm, công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

Đây là sân chơi bổ ích của các cơ sở đào tạo nghiên cứu và doanh nghiệp về Cơ khí - Động lực cả nước trong việc trao đổi thông tin, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ. 

Các đại biểu tập trung vào các nội dung: Trao đổi kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực Cơ khí Động lực và các lĩnh vực có liên quan; đề xuất, thảo luận về công tác định hướng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Cơ khí Động lực giai đoạn 2020-2025; thúc đẩy hợp tác giữa các nhà khoa học thuộc các trường, học viện, viện nghiên cứu, các chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực Cơ khí Động lực.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham quan, tìm hiểu mô hình, sản phẩm, công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. 

Một số báo cáo khoa học tiêu biểu được trình bày tại Hội nghị như: "Nghiên cứu tính toán lực cản tàu ngầm bằng phương pháp CFD" (của các tác giả Trần Ngọc Tú, Nguyễn Thị Hải Hà, Phạm Thị Thanh Hải - Khoa Đóng tàu, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam) đã tóm tắt kết quả mô phỏng, tính toán lực cản tàu ngầm hoạt động tại chế độ chạy ngầm bằng phương pháp CFD (computational fluid dynamic). Ảnh hưởng của kích thước lưới đến kết quả mô phỏng tính toán lực cản tàu được đề cập đến trong báo cáo. Kết quả mô phỏng có sự so sánh với kết quả thử mô hình trong bể thử để khẳng định độ tin cậy của kết quả mô phỏng tính toán. Ngoài ra báo cáo còn đưa ra các hình ảnh về đường dòng bao quanh thân tàu ngầm ở các tốc độ khác nhau, phục vụ cho các bài toán khác nhau như tối ưu hóa thiết kế hình dáng tàu ngầm. Mô hình tàu ngầm được sử dụng trong nghiên cứu là mô hình tàu ngầm DARPA SUBOFF của Mỹ.

Hay báo cáo "Phân tích lựa chọn vật liệu trong thiết kế thân vỏ xe ô tô" (của các tác giả Nguyễn Thanh Quang, Lê Hồng Quân, Phạm Việt Thành - Khoa Công nghệ ô tô, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho thấy, ngành công nghiệp ô tô thế giới thay đổi theo hướng phát triển các vật liệu mới, thiết kế lại vật liệu hiện có và lựa chọn vật liệu hợp lý. Vật liệu chế tạo xe hợp lý làm tiết kiệm nhiên liệu, giảm khối lượng xe trong khi vẫn đảm bảo các tính năng an toàn cần thiết. Báo cáo trình bày nội dung phân tích lựa chọn vật liệu thân vỏ trong thiết kế xe ô tô. Trên cơ sở tính toán hiệu quả sử dụng vật liệu, hai chỉ tiêu chính gồm khối lượng và độ bền của tấm được lựa chọn trong thiết kế thân xe để có thể ứng dụng vào thực tiễn...

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham quan, tìm hiểu mô hình, sản phẩm, công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. 

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Văn Lang Chủ tịch Câu lạc bộ Cơ khí - Động lực cho biết, Câu lạc bộ này được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2008 đến nay, Câu lạc bộ đã tập hợp được số lượng lớn các Trường đào tạo - Học Viện - Viện - Trung tâm cùng đông đảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực Cơ khí - Động lực tham gia, góp tiếng nói rất quan trọng trong giới khoa học nói riêng và sự nghiệp giáo dục đào tạo nước nhà nói chung.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, năm 2021, Trường vinh dự được Câu lạc bộ phân công phối hợp chủ trì tổ chức Hội nghị Khoa học và Công nghệ Cơ khí - Động lực lần thứ 14. Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là trường trọng điểm quốc gia, đẳng cấp quốc tế đào tạo đa ngành, đa bậc học từ đào tạo nghề đến tiến sĩ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế - xã hội của cả nước và quốc tế. Trường đi tiên phong trong hội nhập khu vực và quốc tế; là thành viên chính thức của Hiệp hội các Trường Đại học Hàng hải Châu Á - Thái Bình Dương (AMETAP), Hiệp hội các Trường Đại học Hàng hải Quốc tế (IAMU) và Hiệp hội Vận tải Biển Quốc tế (BIMCO).

Chú thích ảnh
Trao cờ cho đơn vị đăng cai tổ chức năm 2022.

Ngày 21/2/2022, 4 chương trình đào tạo của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam chính thức được cấp chứng nhận đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn AUN-QA của mạng lưới các Trường Đại học Đông Nam Á-AUN (ASEAN University Network), gồm các chương trình: Máy tàu biển, Điều khiển tàu biển, Kinh tế Hàng hải, Kinh doanh quốc tế và Logistics. 

"Điều này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tiến trình hội nhập giáo dục đào tạo toàn cầu của nhà trường. Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành trường đại học định hướng ứng dụng trọng điểm quốc gia, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế biển của khu vực ASEAN vào năm 2025 và khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2030", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương nói.

Tin, ảnh: Đoàn Minh Huệ (TTXVN)
Cơ khí Việt Nam: Để thoát chuyện 'xây nhà trên cát'
Cơ khí Việt Nam: Để thoát chuyện 'xây nhà trên cát'

Ngành cơ khí trong nước được dự báo từ nay đến năm 2030 có thể đạt dung lượng thị trường hơn 300 tỷ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN