Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 13/1, tại Cung Hòa Bình, thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã đồng chủ trì Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Campuchia lần thứ 4. Thủ tướng Hun Sen chào đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự hội nghị. Ảnh: Đức Tám – TTXVN |
Đây là dịp để hai bên đánh giá chung quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai nước, thảo luận các giải pháp để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác về các lĩnh vực này trong thời gian tới. Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành địa phương và trên 450 đại diện doanh nghiệp hai nước.
Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Campuchia được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009 với mục đích tăng cường xúc tiến đầu tư của Việt Nam sang Campuchia. Qua 3 kỳ hội nghị, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Campuchia đã có sự chuyển biến mạnh mẽ với nhiều Hiệp định, Thỏa thuận, Chứng nhận đầu tư được triển khai.
Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia, đến hết năm 2013, tổng số vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam vào Campuchia đạt trên 3 tỷ USD với 127 dự án, gấp gần 6 lần về tổng vốn đầu tư và trên 3 lần về số lượng dự án so với trước năm 2010, xếp thứ 5 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Campuchia.
Các dự án được triển khai đồng bộ trên những lĩnh vực trọng yếu, qua đó gia tăng tính chất quan trọng của hợp tác kinh tế, nhiều dự án lớn có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế Campuchia như nông-lâm-ngư nghiệp, năng lượng, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, hàng không…
Nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai như dự án trồng cây cao su của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn CT Group, dự án thành lập Ngân hàng đầu tư và phát triển Campuchia, liên doanh hàng không Campuchia - Việt Nam, viễn thông Metfone, nhà máy sản xuất Phân bón Năm sao Campuchia, dự án Nhà máy sản xuất Phức hợp Đường, Ethanol và Nhiệt điện tại tỉnh Kratie, Campuchia…
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Campuchia tăng nhanh trong thời gian qua, với mức tăng trung bình 30%/năm. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Campuchia gồm có xăng dầu, sắt thép, trong khi Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Campuchia mủ cao su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Cùng với đó, lượng khách du lịch từ Việt Nam sang Campuchia tăng đáng kể với mức tăng trung bình 33,3% từ năm 2009 đến nay. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia cũng tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội thiết thực, tiếp tục góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân Campuchia và tạo dựng hình ảnh “doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng”. Tổng số tiền thực hiện cho chương trình an sinh xã hội trong thời gian qua đạt trên 35 triệu USD.
Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến đầu tư sang Campuchia vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Một số nhà đầu tư Việt Nam khi đầu tư vào Campuchia còn chưa chú trọng đến đầu tư vững chắc trung và dài hạn, chưa nghiên cứu kỹ cơ chế chính sách của nước sở tại và cập nhật những điều chỉnh chính sách mới để điều chỉnh kịp thời về chiến lược đầu tư.
Sự liên kết hỗ trợ giữa các nhà đầu tư Việt Nam vẫn còn rời rạc, thiếu chặt chẽ. Năng lực tài chính của một số doanh nghiệp còn hạn chế, khả năng cạnh tranh còn yếu… Hệ thống luật pháp tại Campuchia về thuế, đầu tư, bảo hộ đầu tư nước ngoài, các chính sách liên quan đến giao đất… chưa hoàn thiện và thay đổi nhiều, giữa trung ương với các địa phương còn chồng chéo, thiếu nhất quán, hệ thống quản lý hành chính chưa được chuẩn hóa, thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao… cũng là những khó khăn không nhỏ, ảnh hưởng đến chất lượng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia.
Từ đó, các doanh nghiệp Việt Nam đề xuất với hai Chính phủ ưu tiên thống nhất nội dung hợp tác kinh tế giữa hai nước trong dài hạn, sớm kết nối hai nền kinh tế trước năm 2015, có chính sách lâu dài và cụ thể với các dự án dọc tuyến biên giới theo hướng đảm bảo an ninh biên giới.
Các bộ, ngành hai nước cần phối hợp định kỳ rà soát lại các hiệp định, văn bản pháp lý đã được ký kết để sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới; sớm hướng dẫn triển khai thực thi Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư; hoàn thành ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần để tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh; xây dựng cổng kết nối thông tin giữa hai Chính phủ, cập nhật thường xuyên những thay đổi cơ chế, chính sách, tình hình an ninh chính trị để thông báo, hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Ông Kith Meng, Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia nhận định Việt Nam và Campuchia nhận định, với những kết quả về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch vừa qua, có thể khẳng định Việt Nam là quốc gia có vai trò to lớn nhất trong nền kinh tế Campuchia, liên quan đến thu nhập, tạo công ăn việc làm và góp phần nâng cao đời sống của người dân Campuchia. Ông cho biết với xu hướng nền kinh tế toàn cầu như hiện nay, hai nước không thể phát triển nếu chỉ hoạt động đơn lẻ, phải tìm mọi cách tăng cường quan hệ quốc tế nhằm thúc đẩy lòng tin và tạo cơ hội kinh doanh và đầu tư.
Ông Kith Meng khẳng định Phòng Thương mại Campuchia luôn sẵn sàng làm việc với các nhóm kinh doanh có liên quan nhằm tìm ra những sáng kiến thúc đẩy kinh doanh và đầu tư và tìm giải pháp để tạo ra những cơ chế khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh giữa hai nước.
Vui mừng nhận thấy thời gian qua, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Campuchia theo phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các cơ quan chức năng của hai nước thời gian qua đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc triển khai các thỏa thuận hợp tác đã có, nghiên cứu đề xuất các chương trình hợp tác mới, đặc biệt là việc ký kết Nghị định thư sửa đổi Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa hai nước, trong đó có bổ sung những nội dung cụ thể về tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp hai nước như tạo môi trường cần thiết cho các hình thức đầu tư, đơn giản hoá thủ tục đăng ký và chấp thuận đầu tư, tăng cường quảng bá thông tin đầu tư, luật pháp, chính sách, cung cấp các dịch vụ tư vấn cho nhà đầu tư…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp hai nước đã hợp tác chặt chẽ, tháo gỡ khó khăn tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, phát triển thương mại, du lịch giữa 2 nước và biểu dương những doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Campuchia về các hoạt động an sinh xã hội mà các doanh nghiệp đã làm được.
Nhấn mạnh tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch để thúc đẩy và đạt kết quả cao hơn nữa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong bối cảnh doanh nghiệp hai nước đang gặp khó khăn, Chính phủ Việt Nam đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam như miễn, gia hạn nộp một số loại thuế, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành hai nước sớm thông báo cho nhau về việc hoàn thiện các thủ tục nội bộ hai nước để Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa hai nước và Nghị định thư sửa đổi sớm có hiệu lực chính thức, từ đó, hai bên tiếp tục triển khai các công tác liên quan nhằm hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp hai nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị hai bên duy trì thường xuyên cơ chế đối thoại giữa các cơ quan của Chính phủ hai nước nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh có hiệu quả; quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ và thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa hai nước, trong đó sớm đàm phán, ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; nâng cấp và mở rộng thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực trồng cây cao su giữa hai nước lên tầm Hiệp định của hai Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để các doanh nghiệp của hai nước trao đổi thông tin, tìm kiếm các dự án, hợp đồng đầu tư kinh doanh mới, trước hết là hướng vào các lĩnh vực mà hai nước đều có nhu cầu hợp tác, Campuchia có tiềm năng và Việt Nam có thế mạnh như viễn thông, hàng không, khai thác và chế biến khoáng sản, năng lượng, phát triển hạ tầng, du lịch và thương mại, tài chính, ngân hàng, sản xuất và chế biến nông sản, lâm nghiệp, nhất là trồng và chế biến cao su; xây dựng hệ thống phân phối và tiêu thụ một số sản phẩm quan trọng...
Khẳng định, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Campuchia đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cũng như đặc biệt quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam phát huy tốt hơn nữa truyền thống đoàn kết, giữ gìn hình ảnh và uy tín của Việt Nam trong đầu tư kinh doanh ở Campuchia; chấp hành nghiêm túc pháp luật của nước sở tại; ngoài mục tiêu hiệu quả kinh tế cần quan tâm giúp đỡ các đối tác và địa phương Campuchia cùng phát triển, mỗi dự án đầu tư thành công sẽ là sự đóng góp thiết thực cho mối quan hệ hữu nghị bền chặt lâu dài giữa hai đất nước, hai dân tộc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia sẽ cùng nhau phấn đấu phát triển đầu tư, kinh doanh sớm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 5 tỷ USD vào năm 2015, đồng thời các nhà đầu tư Việt Nam trở thành một trong các nhà đầu tư hiệu quả, có trách nhiệm hàng đầu tại Campuchia. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam sẽ làm hết sức mình để cùng Chính phủ Camphuchia đưa mối quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia ngày càng phát triển tốt đẹp, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thay mặt Chính phủ Hoàng gia Vương quốc Campuchia, Thủ tướng Hun Sen chào mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm Campuchia và tham dự Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Campuchia lần thứ 4. Khái quát một số thành tựu kinh tế-xã hội trong thời gian qua của Campuchia như lạm phát ổn định, giá trị đồng tiền tăng lên, chỉ số tăng trưởng ngày càng vững chắc, hoạt động đầu tư có những bước tiến đáng ghi nhận, sự phát triển công, nông nghiệp đang ngày càng tiến đến mức phát triển bền vững, lượng khách du lịch quốc tế đến Campuchia ngày càng tăng…, Thủ tướng Hun Sen khẳng định những kết quả đó chứng tỏ khả năng của Campuchia cũng như năng lực điều hành của Chính phủ tạo ra những cơ hội để ổn định chính trị và phát triển vững chắc hơn trong tương lai.
Đánh giá cao các doanh nghiệp Việt Nam vào Campuchia đầu tư, qua đó hỗ trợ Campuchia phát triển nhanh chóng trên một số lĩnh vực, Thủ tướng Hun Sen bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục ủng hộ Campuchia thông qua việc tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư. Campuchia luôn hoan nghênh, ủng hộ mọi dự án đầu tư của Việt Nam vào Campuchia. Campuchia sẽ cố gắng hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư để duy trì niềm tin cho các nhà đầu tư Việt Nam, qua đó đem lại sự phồn vinh cho nhân dân hai nước và làm cho tình hữu nghị Campuchia - Việt Nam ngày càng vững chắc, keo sơn.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hun Sen đã chứng kiến lễ Trao giấy phép đầu tư cho Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk xây dựng nhà máy chế biến sữa tại Campuchia với tổng vốn đầu tư 23 triệu USD; Lễ ký thỏa thuận giữa BIDV và Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia về việc BIDV trao 50 suất học bổng cho sinh viên Campuchia học tập tại Việt Nam...
TTXVN/Tin tức