Đó còn là thước đo, chuẩn mực để từ đó trong lực lượng Công an nhân dân xuất hiện những điển hình tiên tiến, nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, không ngừng học tập, rèn luyện và tu dưỡng, phấn đấu vươn lên.
Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an tặng Cờ thi đua của Bộ Công an cho các tập thể có thành tích xuất sắc tại Hội nghị tổng kết 5 năm phong trào Công an nhân dân học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy; Sơ kết 2 năm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Tôn vinh các điển hình tiên tiến trong lực lượng Công an nhân dân. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Điều đó càng có ý nghĩa khi lực lượng Công an nhân dân đồng thời phải tiến hành một sự nghiệp, một cuộc đấu tranh quyết liệt với không chỉ những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch từ bên ngoài, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa từ bên trong, mà còn với những trì trệ, yếu kém, những biểu hiện tiêu cực, suy thoái ngay trong nội bộ, tất cả vì mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vì sự trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của toàn lực lượng.
Gần dân, hiểu dân, giúp dân Đấu tranh với các thế lực thù địch nhằm bảo vệ an ninh chính trị của đất nước luôn là nhiệm vụ hết sức khó khăn, gian khổ của lực lượng Công an nhân dân. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này không những luôn đòi hỏi những cán bộ, chiến sỹ Công an phải dấn thân, mưu trí, dũng cảm mà còn phải gắn bó, liên hệ mật thiết với nhân dân.
Đóng chân trên một địa bàn trọng điểm, các cán bộ, chiến sỹ của Cục An ninh Tây Nguyên (thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Công an) đã tổ chức đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng lợi dụng vấn đề về dân tộc, tôn giáo để lừa bịp, kích động quần chúng gây rối, biểu tình, bạo loạn nhằm gây mất ổn định chính trị trên địa bàn.
Trong đó phải kể đến những đóng góp của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà, Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên trong quá trình công tác. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà là một trong những điển hình tiên tiến được tuyên dương nhân dịp kỷ niệm 70 năm lực lượng Công an nhân dân học tập thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy.
Hơn 30 năm gắn bó với buôn làng Tây Nguyên, trải qua nhiều cấp bậc công tác, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà trở thành một người con của buôn làng, giúp đỡ, tuyên truyền để đồng bào Tây Nguyên không ai bị kẻ xấu lừa, không ai để bọn phản động kích động làm điều sai trái... Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng sau khi tốt nghiệp Đại học, Nguyễn Xuân Hà về làm trinh sát một thời gian rồi tình nguyện đi Tây Nguyên. Những năm tháng ấy, Tây Nguyên còn hoang sơ, vất vả, bọn phản động hoạt động rất “nóng”.
"Vì vậy quá trình đấu tranh cần phải xác định rõ đối tượng cầm đầu để xử lý nghiêm minh theo pháp luật, đồng thời làm rõ đối tượng bị lợi dụng, lừa phỉnh để phân hóa, giúp họ hiểu được chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó hướng cho họ quay về với cuộc sống gia đình, chăm lo làm ăn và mạnh dạn đứng lên đấu tranh với cái sai, cái xấu do bọn phản động gieo rắc" - Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, quá trình đấu tranh với các đối tượng xấu và vận động tuyên truyền người dân cũng gặp không ít vất vả, gian nan. Theo Thiếu tướng Hà, các cán bộ, chiến sỹ đã gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục cho các lực lượng và quần chúng nhân dân nhận diện được các tổ chức "tà đạo".
Khi chứng minh được bản chất của các thế lực xấu, phải kiên trì thuyết phục các lực lượng từ chính quyền đến nhân dân để giải quyết được vấn đề chia rẽ dân tộc. Do đó, cán bộ, chiến sỹ của Cục đã tích cực vận động đối với các tri thức có uy tín trong cộng đồng dân tộc để học góp phần tuyên truyền nói rõ về các thế lực thù địch để người dân không bị kẻ xấu lợi dụng.
"Đối tượng của chúng tôi có nhiều người dân tộc bị lợi dụng nên giáo dục cho chiến sĩ phân biệt được người bị lợi dụng, người xấu, để khi làm việc nhận được sự đồng thuận với những đồng bào dân tộc. Từ đó, để đồng bào hiểu được công tác tuyên truyền, trở thành một lực lượng giúp đỡ lực lượng Công an nhân dân trong việc chống bạo động, ly khai" - Thiếu tướng Hà cho biết.
Đúc kết quá trình hơn 30 năm công tác của mình, Thiếu tướng Hà cho rằng, ngoài việc nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực công tác cho cán bộ, chiến sĩ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật thì việc vận dụng Sáu điều Bác Hồ dạy, nhất là gần dân, hiểu dân, giúp dân là một trong những kim chỉ nam quan trọng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.