Ngày 5/9, Ban Chủ nhiệm Đề tài độc lập cấp nhà nước "Cơ sở lý luận và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phù hợp với tình hình mới" đã tổ chức hội thảo "Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Hiến pháp ở Việt Nam và kinh nghiệm nước ngoài". Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì hội thảo.
Hội thảo là dịp để các chuyên gia, các nhà khoa học trao đổi, thảo luận, đánh giá toàn diện các quan điểm, tư tưởng về lập hiến của một số học giả, nhà chính trị có tầm ảnh hưởng đến lịch sử lập hiến của thế giới và của Việt Nam; tập trung làm rõ các vấn đề về lý luận và thực tiễn liên quan đến vị trí, vai trò và nội dung của Hiến pháp thể hiện trong các giai đoạn, thời kỳ khác nhau của Việt Nam; tạo diễn đàn trao đổi, học tập kinh nghiệm thực tiễn về mô hình, quá trình lập hiến của một số nước tiêu biểu trên thế giới.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Trải qua hơn 60 năm lịch sử lập hiến với 8 lần ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã cho thấy, hoạt động lập hiến không chỉ dừng lại ở thẩm quyền hiến định của Quốc hội mà đã trở thành sự kiện trọng đại mang tính lịch sử của đất nước, một cơ hội sinh hoạt chính trị dân chủ sâu rộng của toàn dân. Mỗi sự thay đổi của Hiến pháp đều mang một ý nghĩa lịch sử sâu sắc, đánh dấu sự "chuyển mình" của cả dân tộc để bước sang một giai đoạn phát triển mới ở một tầm cao mới. Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học tập trung thảo luận về các nội dung cụ thể: Lịch sử các tư tưởng lập hiến và quan điểm lập hiến của Việt Nam; vị trí, vai trò, chức năng cơ bản của Hiến pháp và kinh nghiệm lập hiến của một số nước; Hiến pháp với chủ quyền nhân dân; vai trò của Hiến pháp trong việc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước...
Quỳnh Hoa