Các đại biểu cơ bản thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng như sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt để phù hợp với yêu cầu thực tế của nền kinh tế đất nước đang phát triển hiện nay.
Theo Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt được ban hành năm 2008, 16 năm qua đã được sửa đổi nhiều lần để phù hợp với định hướng, chiến lược và yêu cầu của cải cách hệ thống thuế Việt Nam cũng như giải quyết những vấn đề bất cập liên quan.
Tuy nhiên, đến nay, dù đã nhiều lần sửa đổi nhưng Luật thuế tiêu thụ đặc biệt của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề bất cập so với xu hướng thuế tiêu thụ đặc biệt của các nước, như: còn độ chênh lệnh về mức thuế suất; chưa có quy định hoàn thuế đối với hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt… Cần thiết phải sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) hiện hành cho thống nhất với hệ thống pháp luật về thuế, tiệm cận dần với thông lệ quốc tế.
Trong khi đó, ông Phan Lê Minh, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp với định hướng, mục tiêu khi xây dựng Luật và tránh các vướng mắc phát sinh trên thực tế, Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm khi quy định đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng thời, do việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt của cơ quan hải quan có đặc thù về kê khai, tính thuế khác với cơ quan thuế nội địa, nên cần có một số điều, quy định riêng cho xuất nhập khẩu của của cơ quan hải quan, tương tự như quy định về ấn định thuế trong Luật Quản lý thuế.
Cục Hải quan Thành phố đưa ra ý kiến đề nghị cụ thể đối với một số điều, khoản trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) như sửa đổi một số khái niệm, bổ sung “xe bốn bánh chở người có gắn động cơ đối tượng chịu thuế; sử dụng “máy điều hòa không khí thay cho “điều hòa nhiệt độ”… tại điều 2 dự thảo Luật quy định về đối tượng chịu thuế.
Đồng thời, đề nghị bổ sung “hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để gia công cho doanh nghiệp nước ngoài, phục vụ sản xuất cho doanh nghiệp chế suất”; “ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, tạm xuất ra nước ngoài để nghiên cứu phát triển sản phẩm sau đó tái nhập trở lại Việt Nam”, “hàng hóa là hàng mẫu nhập khẩu đã được xử lý để không thể mua bán hoặc sử dụng, chỉ để làm mẫu”... vào đối tượng không chịu thuế quy định tại điều 3 dự thảo Luật.
Góp ý vào dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực ngày 1/1/2009 được sửa đổi vào các năm 2013, 1014, 2020 đã phát huy hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam, thúc đẩy hội nhập lĩnh vực thuế trên thế giới.
Tuy nhiên, đến nay Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành cần được bổ sung, sửa đổi để thích ứng với nhiều chính sách đổi mới về cải cách hệ thống chính sách thuế trong Chiến lược phát triển kinh tế 10 năm (2021-2030) được xác định tại Đại hội Đảng lần thứ XIII; đáp ứng các vấn đề phát sinh trong quá trình hợp tác quốc tế về thuế, phù hợp với xu hướng thuế quốc tế...
Bên cạnh một số góp ý cụ thể vào các điều, khoản của dự thảo Luật, Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp này cần có hiệu lực thi hành thừ 1/1/2026, để đáp ứng tính cấp thiết đối với chiến lược thuế của Việt Nam và hoạt động hội nhập thuế trong quan hệ quốc tế.
Cũng về dự thảo Luật, Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc xác định thuế suất thu nhập doanh nghiệp cần tính doanh thu theo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vì thực tế rất khó xác định doanh thu của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa...
Bên cạnh đó, theo Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa để đảm bảo các nguyên tắc công bằng, chắn chắn, thuận tiện, hiệu quả khi áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, các quy định thuế phải đơn giản, dễ hiểu, công bằng với mọi đối tượng. Việc phân tích ra nhiều loại thuế suất trong cùng một sắc thuế sẽ làm gia tăng sự rắc rối, khó thực hiện, dễ dẫn đến các hành vi tiêu cực khi áp dụng sai ưu đãi về thuế suất.
Vì thế, Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị áp dụng chung thuế suất ưu đãi tối thiểu là 15% (với ba bậc thuế suất 20%, 17%, 15%), tăng thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi với ngành có điều kiện ưu đãi nhiều hơn, phù hợp thuế suất toàn cầu, đảm bảo công bằng giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI.
Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp gồm 5 chương 25 điều; Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt gồm có 4 chương, 12 điều sẽ được đưa xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội tới đây.