Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
Nhấn mạnh các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, trong thời gian qua, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nghị quyết có tác động đến công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp, đòi hỏi phải xây dựng Luật để điều chỉnh những quy định về công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Việc xây dựng Luật nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài, đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Đồng thời phát huy vai trò chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong đảm bảo vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân.
Bên cạnh đó là tổ chức đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh phù hợp đặc thù công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp, gắn với phương thức tác chiến của quân đội, nhiệm vụ của công an, đáp ứng kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu; bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp.
Đồng thời, huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang nhân dân có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ tham gia đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp, tham gia sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế...
Dự thảo Luật gồm 7 chương và 73 điều, tập trung vào 5 chính sách nổi bật đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua. Đó là phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; bảo đảm hiệu quả hoạt động động viên công nghiệp…
Quy định chế độ cho người lao động phù hợp
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ, hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ trình cơ bản đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều nội dung được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, đủ điều kiện báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Về nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp, Ủy ban Quốc phòng an ninh cho rằng, nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng, làm cơ sở quy định các nội dung cụ thể của dự thảo Luật; do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để quy định đầy đủ các nguyên tắc trong dự thảo Luật.
Về điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, có ý kiến cho rằng, điều này quy định còn chung chung và có thể tạo ra rào cản, gây khó khăn đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có khả năng, điều kiện và mong muốn tham gia hoạt động này. Vì vậy, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định những điều kiện cụ thể nhưng theo hướng khuyến khích, thu hút và huy động được cao nhất sự tham gia và giao Chính phủ quy định chi tiết điều này; bổ sung quy định về điều kiện huy động cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh...
Ủy ban Quốc phòng an ninh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên để quy định cho phù hợp, những điều kiện cụ thể giao Chính phủ quy định chi tiết.
Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc phòng an ninh nhận thấy, việc phân loại các chế độ, chính sách theo từng đối tượng, nhóm đối tượng là hợp lý. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, các chế độ, chính sách còn tản mạn, thiếu tính khái quát.
Đáng chú ý, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định doanh nghiệp được chủ động trả lương cho người lao động, chuyên gia theo cơ chế thị trường. Kinh phí trả lương của người lao động thuộc các đơn vị hạch toán tham gia phục vụ quốc phòng an ninh trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh, không bao gồm trong quỹ tiền lương thực hiện hàng năm, được xác định trên cơ sở đơn giá tiền lương được giao ổn định, quản lý tiền lương thông qua kết quả sản xuất kinh doanh; bổ sung đối tượng là người Việt Nam ở nước ngoài và đối tượng “nhà khoa học”, “nhà khoa học trẻ tài năng”…
Ủy ban Quốc phòng an ninh đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để quy định chế độ, chính sách cho người lao động phù hợp với tính chất đặc thù trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh và với pháp luật liên quan.