Ngày 6/9, Hiệp hội cá tra Việt Nam đã ra thông cáo về việc phản đối kết quả áp thuế chống bán phá giá của chính phủ Mỹ đối với sản phẩm cá tra Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Hiệp hội cá tra Việt Nam cho rằng việc Bộ Thương mại Mỹ quyết định chọn Indonesia làm nước thay thế để tính biên độ phá giá và áp mức thuế chống bán phá giá do Việt Nam bị xem là nền kinh tế phi thị trường là không hợp lý. Indonesia là một quốc gia có GDP bình quân cao hơn Việt Nam, cách nuôi cá tra ở Indonesia cũng không tương đồng với cách nuôi cá tra ở Việt Nam. Vì thế, việc lựa chọn Indonesia đã khiến Việt Nam phải chịu mức thuế cao hơn rất nhiều và ảnh hưởng đến toàn ngành cá Việt Nam.
Theo Hiệp hội cá tra Việt Nam, từ nhiều năm qua, sản phẩm cá tra Việt Nam đã chịu mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ ngày càng cao, điều này làm ảnh hưởng đến đời sống của toàn thể lao động trong ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường Mỹ, đồng thời đi ngược lại xu thế hợp tác toàn diện Việt Nam -Mỹ được chính phủ hai nước nỗ lực thực hiện.
Hiệp hội cá tra Việt Nam kiến nghị Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC), Ủy ban điều tra chống bán phá giá sản phẩm cá tra vào Mỹ và Quốc hội Mỹ xem xét lại mức thuế nêu trên và xem xét việc sử dụng Bangladesh làm nước thay thế để tính biên độ phá giá và mức thuế chống bán phá giá thay cho Indonesia.
Trước đó, ngày 3/9, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố kết quả sơ bộ cho lần rà soát hành chính lần thứ 9 đối với sản phẩm cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ, với mức thuế áp dụng cho các lô hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ từ ngày 1/8/2011 đến ngày 31/7/2012. Cụ thể: Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn 0,42 USD/kg, Công ty cổ phần Hùng Vương 2,15 USD/kg, các bị đơn còn lại 0,99 USD/kg, các công ty còn lại của Việt Nam 2,11 USD/kg.
Thùy Dương